Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước

Bài cuối: Cơ hội cho ngành sản xuất tôm giống cất cánh

Ngày 30-8-2018 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 thành ngành công nghiệp hiện đại; trong đó, đến năm 2030 mục tiêu cả nước sản xuất được 250-300 tỷ tôm giống để đáp ứng nhu cầu nuôi cả nước.

Đây là cơ hội cho ngành sản xuất tôm giống tỉnh ta cất cánh, góp phần vào đạt mục tiêu chung của cả nước, cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho các hộ nuôi, nhất là vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung quy mô diện tích lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để đón đầu cơ hội, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 là khai thác triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm và năng động, sáng tạo của doanh nghiệp kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tôm giống, từ đó khẳng định vai trò của Ninh Thuận trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất ngành tôm Việt Nam. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới, sáng tạo, đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, hợp tác, liên kết phát triển mở rộng thị trường, nâng cao giá trị Nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận”. Tập trung chuyển đổi sản xuất, toàn tỉnh có 40% số cơ sở có quy mô công suất trên 1 tỷ con giống/năm đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh. Sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt 60 tỷ con; trong đó, trên 70% sản lượng tôm giống chất lượng cao được sản xuất từ các cơ sở đủ điều kiện; chủ động 100% nguồn tôm sú bố mẹ, tôm thẻ chăn trắng bố mẹ gia hóa.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Giống thủy sản Grobest, xã An Hải (Ninh Phước) kiểm tra chất lượng tôm giống tại bể nuôi. Ảnh: H.P

Hướng tới đạt mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra là ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng 2 khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải và Nhơn Hải vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, gắn với quy hoạch phát triển dải ven biển. Trước mắt, ưu tiên đầu tư đồng bộ và hoàn thiện dự án mở rộng Vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải với tổng diện tích 200 ha, phát triển thành Khu công nghiệp sản xuất tôm giống theo hướng tích hợp đầy đủ các ngành công nghiệp hỗ trợ như: Công nghiệp sản xuất thức ăn tươi sống, sản xuất vi tảo, ấp nở Artemia; hệ thống cấp nước đầu vào, xử lý cấp nước và nước thải tập trung. Chỉnh trang Vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao Nhơn Hải với tổng diện tích 100 ha theo hướng đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu trên cơ sở nhà nước và Nhân dân cùng làm, tranh thủ nguồn vốn từ trung ương kết hợp xã hội hóa. Sau khi các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản được đầu tư mở rộng và hoàn thiện, các cơ sở sản xuất giống thủy sản nằm ngoài quy hoạch sẽ được di dời về đây, trả lại mặt bằng sử dụng cho các mục đích khác nhằm đảm bảo hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào giữa tháng 3 vừa qua, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Để hiện thực hóa nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh coi trọng vai trò của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, làm động lực thúc đẩy hoàn thiện chuỗi sản xuất tôm giống theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia tăng giá trị sản phẩm. Tỉnh kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trong sản xuất tôm giống, sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh, sản xuất thức ăn nuôi tôm tươi sống, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải, Vùng sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh Sơn Hải. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có nhu cầu mở rộng hoặc đầu tư xây dựng mới cơ sở sản xuất giống thủy sản phù hợp với quy hoạch sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định hiện hành.

Nhờ sử dụng con giống chất lượng, các hộ dân nuôi tôm ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) luôn đạt năng suất cao.

Ông Lê Minh Quang, Tổng Giống đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, ngành nuôi tôm đang đối diện với khó khăn do nguồn nước phục vụ sản xuất ô nhiễm nặng dẫn tới tôm bị dịch bệnh. Ninh Thuận muốn sản xuất được tôm giống chất lượng cao thì phải tạo được nguồn nước sạch phục vụ sản xuất mà từng cơ sở, trại giống riêng lẻ không thể làm được. Ông Quang cam kết nếu được tỉnh tạo điều kiện Công ty sẽ tham gia đầu tư đường ống lấy nước biển sạch cung cấp cho các khu quy hoạch sản xuất tôm giống chất lượng cao. Một số doanh nghiệp, trường đại học cũng đã đăng ký tham gia đầu tư mở rộng, hoàn thiện hạ tầng các khu sản xuất giống thủy sản, chuyển giao công nghệ nuôi tôm giống tiên tiến cho Ninh Thuận; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Con đường hướng tới xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước đang được mở rộng, khi hiện nay ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh đề ra giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, như: Tạo điều kiện thuận lợi về cấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng điện, nước, đường, tạo môi trường thông thoáng và ổn định để các doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất; mở rộng hệ thống thông tin của ngành nuôi tôm nhằm cập nhật nhanh chóng về thông tin, thị trường, giá cả để kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin và nghiên cứu khoa học, nhanh chóng tiếp cận các thành tựu khoa học về lĩnh vực di truyền, chọn giống.