Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW

Ngày 23-3, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy có buổi làm việc với Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm tình hình triển khai, thực hiện Kế hoạch số 46-KH/TU, ngày 6-1-2017 của Tỉnh ủy (KH 46) về thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII (NQ 05), về đổi mới mô hình, tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh nền kinh tế.

Thực hiện KH 46 và NQ 05, Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm đã quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết và chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể thực hiện nghiêm túc 3 đột phá về chiến lược phát triển kinh tế và các giải pháp đề ra. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện một cách tích cực, cơ bản đạt các mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng được nâng cao, tiếp tục có chuyển dịch tích cực đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản; khai thác tiềm năng lợi thế thế của đô thị ven biển và quá trình đô thị hóa, cải thiện môi trường đầu tư, các thành phần kinh tế phát triển mạnh; đặc biệt là kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Kết quả đến cuối năm 2020, cơ cấu các ngành thương mại - dịch vụ chiếm 63%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30%, nông nghiệp - thủy sản chiếm 7% trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.639 tỷ đồng, tăng 20,4% so với kế hoạch đề ra năm 2016.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: NAT

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ đề ra theo KH 46 về NQ 05. Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới thành phố cần bám sát các yêu cầu của NQ 05, tham mưu xây dựng thành phố có thương hiệu riêng, phù hợp; xây dựng thành phố thông minh về quy hoạch, quản lý và dịch vụ. Trong các lĩnh vực đột phá về quy hoạch cần thiết lập từng khu vực rõ ràng, hạn chế tình trạng quy hoạch “treo”, ảnh hưởng đến công tác quản lý, sử dụng đất và tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Cần có các cơ chế chính sách thu hút được các nguồn lực đầu tư về kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển khu đô thị mới, gắn với giải quyết tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Trong phát triển nguồn lực, cần kết nối với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để phát triển nguồn nhân lực theo đúng định hướng phát triển và yêu cầu của địa phương; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng đề án thành phố thông minh, tiên phong trong thực hiện hành chính công, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế phát triển về kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Cần nắm bắt, khai thác tốt các dữ liệu, chỉ số thống kê để phát triển theo kịp xu thế. Có định hướng, tầm nhìn chiến lược để phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phát huy xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.

* Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của các cấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh ban hành nhiều văn bản và chủ động triển khai thực hiện. Theo đánh giá, giai đoạn 2016-2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá toàn diện, cả quy mô và năng suất sản lượng. Cơ cấu ngành nông nghiệp đã có hướng chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị; từng bước hình thành một số cánh đồng lớn, vùng chuyên canh phục vụ chế biến, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định theo hướng chủ động nguồn thức ăn và chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Chăn nuôi theo hình thức trang trại được phát triển sâu về công nghệ… Từ các nguồn vốn các Chương trình phát triển rừng bền vững, dịch vụ môi trường rừng, đã trồng được 2.374 ha rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh được 5.780 ha; công tác giao khoán bảo vệ rừng ngày càng được chú trọng. Ngành thủy sản tăng trưởng khá, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế gắn với sản xuất tập trung. Sản lượng tôm giống đạt 43 tỷ con năm 2020, vượt cao so với kế hoạch. Với chương trình mục tiêu nông thôn mới, kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang; trình độ năng lực sản xuất được nâng lên… Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 toàn ngành đạt 7,1%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân đạt 125,5 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch giữa nông nghiệp và thủy sản, thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, nông lâm nghiệp chiếm 43% và thủy sản là 57%; năng lực tưới của hệ thống thủy lợi đạt 60% diện tích đất nông nghiệp. Đến năm 2020, toàn tình có 27 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, nông nghiệp trong tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là, sản xuất nông nghiệp, thủy sản chủ yếu còn nhỏ lẻ, hàm lượng khoa học và công nghệ còn thấp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa thực sự bền vững, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn trong phát triển nông nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng còn đạt thấp, xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương có một số tiêu chí hoàn thành ở mức thấp.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cơ cấu lại nền kinh tế trong định hướng phát triển lĩnh vực ngành trong tổng thể phát triển chung. Xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh là yêu cầu cần đặt ra vừa đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiềm năng, đóng góp trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngành cần khai thác hiệu quả các sản phẩm chủ lực, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản suất. Để cơ cấu lại ngành hiệu quả trong thời gian tới, theo kịp sự phát triển của cả nước, ngành cần chủ động thực hiện và cụ thể hóa nền nông nghiệp theo xu hướng phát triển kinh tế số; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đặc hữu, cạnh tranh và khác biệt.