Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương về thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW

Ngày 22-3, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về khảo sát, nắm tình hình triển khai, thực hiện Kế hoạch 46-KH/TU, ngày 6-1-2017 của Tỉnh ủy (KH 46) về thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII (NQ 05) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tham dự có đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Thực hiện KH 46 và NQ 05, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, đề xuất kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các lĩnh vực công tác, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách; huy động nguồn lực đầu tư và các nhiệm vụ công tác quan trọng với chất lượng ngày một cao hơn, tạo đột phá, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư các thành phần kinh tế, nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động, góp phần quan trọng thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các nội dung báo cáo, kiến nghị về cơ chế chính sách hỗ trợ tỉnh sau khi dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh; đồng thời, tham mưu xây dựng các chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Qua 4 năm triển khai, thực hiện KH 46 và NQ 05, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng còn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng còn hạn chế. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nhưng còn chậm. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn; một số dự án đầu tư có quy mô lớn như lĩnh vực du lịch, các khu công nghiệp triển khai còn chậm.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong thời gian tới, ngành cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả KH 46 và NQ 05, tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả các quan điểm chỉ đạo về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với việc ban hành kế hoạch thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Trọng tâm là tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 115 của Chính phủ; tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại đầu tư công, gắn với đổi mới phương thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Tập trung đầu tư các công trình cấp bách, trọng tâm trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng đảm bảo tính đồng bộ, kết nối nhằm tạo động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực trụ cột của tỉnh trong giai đoạn tới, nhất là về năng lượng sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế đô thị. Cùng với đó đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung tham mưu thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

* Buổi chiều cùng ngày, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với Sở Công Thương về thực hiện Kế hoạch 46 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 05 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Công Thương.

Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của các cấp, Sở Công Thương đã triển khai lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp trong các kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại. Kết quả thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận như việc tham mưu cơ chế chính sách thực hiện nhiệm vụ đột phá, nhất là chủ trương “Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”, phát triển thủy điện tích năng Bác Ái, Trung tâm điện khí LNG Cà Ná gắn với xây dựng cảng nước sâu. Đặc biệt trong năm 2020, đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư Trạm biến áp 500KV Thuận Nam và các đường dây 220KV/500KV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, góp phần giải tỏa công suất các dự án điện trên địa bàn tỉnh. Về cơ cấu ngành công nghiệp-xây dựng đến năm 2020 đạt 34,9% (tăng 4,9% chỉ tiêu đề ra, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 13,5%/ năm). Trong công nghiệp năng lượng sạch, đã thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, tạo động lực cho tăng trưởng. Đến nay, đã có 40 dự án năng lượng sạch vận hành thương mại với tổng quy mô công suất 2.824 MW. Bên cạnh đó, ngành còn đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với áp dụng công nghệ tiên tiến; trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 5 dự án sản xuất sợi, sản xuất bao bì hỗ trợ đóng gói sản phẩm công nghiệp. Ngành cũng thực hiện hiệu quả các quy định về khuyến công nhằm phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP…

Phát biểu chỉ đạo tại tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Công Thương trong thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 05, nhất là chỉ tiêu về năng lượng góp phần hoàn thành 7 chỉ tiêu theo Kế hoạch 46 của Tỉnh ủy đề ra. Trong thời gian tới, ngành cần cụ thể hóa Nghị quyết với yêu cầu mục tiêu cho phát triển, từ đó có hành động cụ thể để phấn đấu giai đoạn 2021-2025 xây dựng Ninh Thuận thành tỉnh phát triển khá, phát huy được lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành trụ cột đã được quy hoạch, gắn với các cơ chế chính sách ưu tiên. Ngành Công nghiệp cũng như các ngành khác, cần cơ cấu ngành theo hướng kinh tế số, hiện đại, khác biệt và cạnh tranh nhất để phát triển nhanh. Ngành cũng cần đánh giá đúng thực trạng, phối hợp thu thập đầy đủ các số liệu thống kê để xác định đúng hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới. Chú trọng các cơ cấu nội bộ ngành, khai thác tối ưu các ngành mũi nhọn như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở các hạ tầng đã và đang được đầu tư, các sản phẩm có thế mạnh. Trong cơ cấu ngành thương mại-dịch vụ cần có sự chủ động hội nhập, kết nối thị trường gắn thương mại điện tử và phát triển kinh tế số; cần quan tâm vấn đề chính sách, quy hoạch định hướng phát triển ngành trong hướng phát triển chung về kinh tế-xã hội của tỉnh; quan tâm đề xuất phát triển kết cấu hạ tầng cho công nghiệp và thương mại, trong đó có sự kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông với các khu công nghiệp. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; áp dụng khoa học học công nghệ để tăng năng suất lao động và đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.