Kết quả qua 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, bước đầu đã tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.

Xác định tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, kém phát triển, ngay sau khi có Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 của Thủ tưởng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành các quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương; giao Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực giữ vai trò tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh; quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân vùng DTTS và miền núi; tập trung chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đến đối tượng là đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và các thành viên Ban chỉ đạo, tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể qua từng năm. Cụ thể: Năm 2016, có 89 trường hợp tảo hôn/1.248 cặp đăng ký kết hôn, chiếm 7,13%; năm 2017 có 69 trường hợp, giảm 3,13 % so với năm 2016; năm 2018 có 44 trường hợp, giảm 1,2% so với năm 2017; năm 2019 có 38 trường hợp, giảm 0,3% so với năm 2018. Riêng năm 2020 có 29 cặp tảo hôn/1.669 cặp đăng ký kết hôn, giảm 0,77%. Qua đó cho thấy tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS hằng năm giảm và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, giảm bình quân 1,35%/năm (mục tiêu giảm bình quân 1%/năm); chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Để góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS, trong 5 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn trên 6.000 cuốn “Sổ tay Hỏi -Đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình”; in tái bản 10.000 tờ gấp; 100 cuốn Sổ tay song ngữ (Việt- Chăm) cấp phát cho các xã vùng DTTS và miền núi; tổ chức 90 lớp tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào DTTS tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 6 huyện, với 7.590 lượt người tham dự; mở 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho 150 cán bộ theo dõi công tác dân tộc, ban quản lý thôn; tổ chức Hội thi “Tìm hiểu các chính sách, pháp luật có liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trên địa bàn huyện Bác Ái, với 10 đội tham gia. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 30 Câu lạc bộ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các xã, trường học vùng đồng bào DTTS. Hoạt động câu lạc bộ, mô hình điểm bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định như: Số vụ tảo hôn giảm đáng kể, thậm chí có địa phương hầu như tình trạng tảo hôn không còn xảy ra; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương còn tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, như: Giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch từng vùng, các mô hình sản xuất, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động, nhằm tăng thu nhập, ổn định đời sống; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS; phát huy tốt vai trò người có uy tín; xây dựng quy ước thôn văn hóa và các qui định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đưa các hình thức xử lý vi phạm vào trong quy ước thôn văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với gia đình, tộc họ và các ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa sâu sát và toàn diện; điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên một bộ phận thanh-thiếu niên đi làm ăn xa rất khó khăn trong việc quản lý, giáo dục con cái của các bậc cha mẹ, là nguy cơ dẫn đến việc tảo hôn.

Trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh ta cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS. Đặc biệt, các sở, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội cần chỉ đạo hệ thống Mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tiến bộ. Phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình và xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng. Chú trọng nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn hoạt động có hiệu quả; khen thưởng kịp thời để động viên khích lệ và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Đề án.