Tìm hiểu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa xv và đại biểu hđnd các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

* Hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) có những quyền gì?

- Đáp: Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu; kiến nghị tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất, phiên họp kín của HĐND và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.

Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

* Hỏi: Tổ chức của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có điểm gì mới?

- Đáp: Căn cứ quy định của Luật số 47/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 22-11-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì tổ chức của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021 về số lượng đại biểu HĐND, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HĐND. Cụ thể như sau:

- Về số lượng đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu (giảm 10 đại biểu); tỉnh không thuộc trường hợp nêu trên có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu). Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu). TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh được bầu 95 đại biểu (giảm 10 đại biểu).

- Về cơ cấu Thường trực HĐND: Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh không có chức danh Chánh Văn phòng HĐND.

- Về số lượng cấp phó: Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 1 Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy