Thuận Nam: Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đến nay công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Thuận Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thuận Nam hiện có 57 ngàn dân, trong đó số dân nằm trong độ tuổi lao động trên 21 ngàn người. Từ thực tế trên, huyện Thuận Nam đã xác định công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp người lao động có thu nhập cao, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với giải quyết việc làm phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Hàng năm huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng và các địa phương tiến hành khảo sát về nhu cầu học nghề của lao động để mở các lớp học nghề sát với nhu cầu thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động liên kết đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động về môi trường làm việc, chỗ ở, sinh hoạt, chế độ chính sách phù hợp để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.

Ông Báo Nung, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo,
mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Để đáp ứng nhu cầu người học, huyện tập trung mở các lớp đào tạo với các ngành nghề chủ yếu như: Trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, máy trưởng, thuyền trưởng và các lớp phi nông nghiệp khác theo yêu cầu của địa phương, nhằm tạo việc làm tại chỗ hoặc tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả cho thấy, sau tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều LĐNT được tiếp cận với thực tế, nâng cao tay nghề, từ đó tìm được việc làm phù hợp, giải quyết được tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho lao động tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập. Nhờ đó, nhiều người sau khi có được nguồn vốn vay, kết hợp với những kiến thức được học về trồng trọt, chăn nuôi…đã mạnh dạn đầu tư tạo mô hình làm ăn riêng cho gia đình, mang lại hiệu quả rất khả quan. Ông Báo Nùng, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, cho biết: Năm 2016, ông tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi. Từ vốn kiến thức được học ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư chuồng trại, trồng 5 sào cỏ để phát triển chăn nuôi bò. Nhờ đó, gia đình ông đã phát triển đàn bò được 10 con bò, mỗi năm thu nhập trên 30 triệu đồng từ chăn nuôi.

Ông Phan Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thuận Nam, cho biết: Qua 10 năm thực hiện Quyết định 1956 của Chính phủ, toàn huyện có trên 4.000 lao động được đào tạo nghề. Số LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75-80% trong tổng số lao động được đào tạo, góp phần chuyển đổi cơ cấu LĐNT, giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, đã tạo điều kiện cho các địa phương trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển các ngành nghề phù hợp. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; giúp người lao động có thu nhập cao, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT mà huyện Thuận Nam triển khai trong thời gian qua chính là “đòn bẩy” để địa phương tiến tới xóa đói, giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống của Nhân dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; một số địa phương còn triển khai thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế; thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng nông thôn mới của địa phương… Vì vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm trong các tầng lớp Nhân dân; lựa chọn ngành nghề phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương; thu hút đầu tư liên kết giải quyết việc làm cho LĐNT đã qua đào tạo và người dân địa phương.