Doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp khó vì dịch COVID-19

Sau gần 2 năm bùng phát dịch COVID-19, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp khó trong việc ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh. Trước diễn biến phức tạp của dịch, dự đoán trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Vận tải An Anh, anh Nguyễn Hữu Lợi, chủ doanh nghiệp cho biết: Năm ngoái khi dịch bùng phát, Công ty đã bị thiệt hại nhiều nhưng vẫn có gắng duy trì hoạt động. Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên số lượng khách giảm mạnh. Công ty hiện có 12 đầu xe nhưng chưa tới 50% hoạt động, những xe hoạt động cũng không đủ khách nên thất thu lớn, việc hoạt động chỉ mang tính duy trì và giữ mối cho nhà xe.

Được biết, trước và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 hầu hết các chuyến xe Ninh Thuận - TP. Hồ Chí Minh và chiều ngược lại đều vắng khách, có chuyến chỉ có vài hành khách nên thu không đủ chi. Cảnh tượng vắng vẻ tại Bến xe khách tỉnh trong thời gian gần đây đã trở nên quen thuộc đối với các nhà xe. Dù không có khách, nhưng các nhà xe phải chạy để cầm chừng và hầu hết các nhà xe phải cho ngừng một nửa số xe hiện có để tránh tình trạng càng chạy càng lỗ.

Khu vực bán vé xe Bến xe khách tỉnh vắng khách.

Đến tìm hiểu tại Công ty TNHH TM và DV Tuấn Tú tại khu phố 1, phường Đô Vinh (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm), được biết tình hình kinh doanh của công ty cũng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ông Dương Văn Tú, chủ doanh nghiệp, cho biết: Ừ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, người dân hạn chế di chuyển từ vùng có dịch nên lượng vé do khách hàng đặt mua qua mạng, qua điện thoại trước đó đã bị hủy rất nhiều, hành khách đến bến thưa thớt đã gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp. Trước tình trạng trên, dù có 13 đầu xe nhưng nhà xe đã phải giảm số xe chạy trên tuyến hơn một nửa so với trước, nhưng khách vẫn thưa thớt.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đều hoạt động cầm chừng nên ngoài việc trả lương cho tài xế, nhà xe cũng đang rất lo lắng việc trả nợ ngân hàng hàng tháng. Năm 2020, các doanh nghiệp đã dùng vốn tích lũy để duy trì hoạt động, nhưng năm 2021 dịch tiếp tục bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp hơn khiến doanh nghiệp không biết phải huy động vốn từ đâu để duy trì hoạt động do trước đó đã vay vốn từ các ngân hàng nhưng chưa trả hết không thể tiếp tục vay mới. Qua trao đổi, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều có chung tâm tư và mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian khó khăn diễn ra dịch COVID-19. Trong đó, mong muốn các ngân hàng và tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Năm 2021, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì sau một năm chống chọi với dịch COVID-19, vừa qua nhiều doanh nghiệp đã “đuối sức”. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: Để được giãn nợ, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ các doanh nghiệp cần có văn bản kiến nghị lên sở để tổng hợp nguyện vọng gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh có kế hoạch làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới.