Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã nông nghiệp

Phát triển kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Quán triệt đường lối trên, thời gian qua Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh (BCĐ) đã chỉ đạo các thành viên thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả.

Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6- 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hướng dẫn HTX hoàn tất các thủ tục vay vốn để phát triển sản xuất, mở rộng các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ. Tính đến đầu năm 2021, có 7 HTX đang vay vốn với tổng dư nợ 2,825 tỷ đồng; trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An 1 tỷ đồng, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mông Nhuận 500 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý 175 triệu đồng, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ 200 triệu đồng, HTX Dịch vụ Tầm Ngân 300 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế 500 triệu đồng, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Xuân 150 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ vay 200 triệu đồng và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp tổng hợp Phước Đại vay 250 triệu đồng.

Hợp tác xã SX và TM Nông nghiệp An Xuân giới thiệu sản phẩm măng tây xanh
tại Hội nghị Xúc tiến cung - cầu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh năm 2020. Ảnh: V.Nỷ

Nhờ chủ động được nguồn vốn, các HTX xây dựng kế hoạch sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Đơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An và HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mỹ Sơn liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam, Công ty Cổ phần Đông Nam, Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố sản xuất bắp giống quy mô 570 ha, với 1.450 hộ thành viên tham gia, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất bắp thương phẩm khoảng 20 triệu đồng/ha.

Bên cạnh việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX tiếp cận tín dụng ưu đãi, thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn HTX thực hiện các thủ tục đăng ký chuyển đổi hình thức sử dụng đất từ giao đất không thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2003 sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo Luật Đất đai năm 2013. Tính đến thời điểm hiện nay, có 30 HTX được thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng với tổng diện tích hơn 135.851 m2.

Có thể nói, công tác hỗ trợ HTX được BCĐ thực hiện đồng bộ trên mọi mặt. Đối với hướng dẫn HTX thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, điểm sáng là UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ, hướng dẫn HTX khắc phục các tồn tại hạn chế; trong đó, tiêu biểu là huyện Ninh Hải đã hỗ trợ các HTX thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, như: Rà soát danh sách thành viên, mở sổ đăng ký thành viên, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chế độ kế toán và công tác tổ chức hoạt động của HTX. Huyện Ninh Phước đã hướng dẫn HTX lập báo cáo tài chính, xây dựng quy chế, tổ chức đại hội theo quy định. Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp đồng triển khai 14 dự án hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp Tốt cho 6 HTX và 8 tổ hợp tác ở huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; hoàn thành đề án ứng dụng tem điện tử thông minh trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa cho 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh và hỗ trợ HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An xây dựng Nhãn hiệu tập thể nho Thái An với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng; hỗ trợ phát triển hệ thống nhận diện và in nhãn mác bao bì sản phẩm cho sản phẩm măng tây xanh; hỗ trợ hệ thống giàn phơi thông minh sử dụng năng lượng mặt trời để sấy trà măng tây; hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 3 HTX với kinh phí hơn 140 triệu đồng.

Nhìn lại hoạt động hỗ trợ HTX có thể thấy, nhờ có sự “tiếp sức” của ngành chức năng, các địa phương, các HTX đã đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, một số HTX ứng dụng công nghệ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An ký kết hợp đồng với 76 hộ sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bao tiêu sản phẩm, với tổng diện tích 30 ha, sản phẩm nho NH01-152 của HTX được công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao.

Tuy vậy, theo đánh giá của BCĐ, một số HTX còn những hạn chế về năng lực quản trị, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó khăn về vốn do chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn theo quy định của các ngân hàng thương mại. Nhằm tiếp tục củng cố, phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, BCĐ đề ra 10 nhóm giải pháp thực hiện trong năm 2021; trong đó, tập trung cho hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản đặc thù của địa phương, nâng cao thu nhập cho hộ thành viên.