Cảng Tổng hợp Cà Ná: Vị thế chiến lược kinh tế phía Nam của tỉnh

Trong không khí phấn khởi thi đua lao động sản xuất đầu xuân 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư- Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) cùng các nhà thầu, đơn vị thi công đã tập trung nguồn lực, trang thiết bị, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình, sớm đưa Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 vào hoạt động, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Được biết, trước khi khởi công Dự án Cảng Tổng hợp Cà Ná thuộc địa phận xã Phước Diêm (Thuận Nam), nơi đây là khu vực có diện tích rộng lớn chưa được khai thác, chưa được phát huy tiềm năng thế mạnh vùng biển này. Từ khi được UBND tỉnh có chủ trương đầu tư và quyết định giao Trung Nam Group làm chủ đầu tư, nơi đây trở thành vùng dự án trọng điểm của tỉnh. Đây là dự án có tổng diện tích quy hoạch 108,09 ha với các phân khu chức năng chính, bao gồm: Hai bến cảng 70.000–100.000 tấn; 1 bến cảng 20.000 tấn và khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ. Đến nay, qua hơn 6 tháng Trung Nam Group tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công đã “làm thay da đổi thịt” vùng dự án. Minh chứng rõ cho quyết tâm của chủ đầu tư, đó là, vừa qua Trung Nam Group đã huy động trên 400 công nhân thi công liên tục trên công trường. Riêng trong dịp tết Nguyên đán đã động viên tinh thần, chăm lo vật chất cho 150 công nhân đón Tết tại công trường và làm việc 3 ca mỗi ngày, nhằm đảm bảo kịp tiến độ dự án. Nhờ đó, đến nay Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná đã hoàn thành cơ bản phần kè K1, K2, K3 và chuẩn bị hợp long phần kè lòng bến; hoàn thành 58 cọc/354 cọc khoan nhồi phần bến, đổ bê tông các cấu kiện đúc sẵn đạt trên 30%; triển khai thi công nạo vét luồng lạch, vũng quay tàu; thi công hạ tầng khu tái định cư đạt 90%.

Trung Nam Group huy động trang thiết bị, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Trung Nam - Cà Ná, cho biết, ngay sau khi nhận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, chúng tôi đã huy động 100% lực lượng để thi công đồng loạt từ ngày 25-8-2020, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hướng mục tiêu hoàn thành bến Cảng giai đoạn 1 trong năm 2021. Ông Thảo còn khẳng định rằng, Cảng Cà Ná là một trong ba công trình trọng điểm khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận; tất cả đều đồng bộ, kết nối và tác động qua lại lẫn nhau giúp phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực này. Cụ thể, Cảng Cà Ná với quy mô 25 bến tàu và trọng tải tàu lớn nhất 300.000 tấn hàng. Đây là bến Cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi trong phạm vị cả nước, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, qua đó giải tỏa áp lực các Cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, khi Cảng Cà Ná hoàn thành sẽ đóng vai trò là nơi trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực ASEAN, dự kiến trọng lượng qua cảng khoảng 76 triệu tấn/năm. Đồng bộ với Cảng Cá Ná còn có Khu công nghiệp Cà Ná đã được UBND tỉnh và Chính phủ quy hoạch 827 ha, nằm liền kề ngay cảng là nơi hàng hóa sản xuất, xuất, nhập qua cảng này.

Phát biểu tại Lễ ra quân xuân 2021 của Trung Nam Group vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần quyết liệt triển khai thi công của chủ đầu tư dự án Cảng Cà Ná giai đoạn 1. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh. Song song với dự án này, trong thời gian đến, tỉnh cũng đang tập trung các thủ tục để tiến hành đầu tư Dự án điện khí Cà Ná LNG giai đoạn 1, với công suất 1.500MW cùng với đó là Khu công nghiệp Cà Ná sẽ được phát triển. Với mong muốn tạo thành tổ hợp kinh tế phía Nam, đồng chí rất hy vọng như lời cam kết của chủ đầu tư sẽ hoàn thành dự án Cảng Cà Ná trong năm 2021. Qua đó sẽ tạo động lực kéo theo các ngành kinh tế khác của tỉnh phát triển và làm tiền đề để Ninh Thuận hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn.

Với sự tích cực hỗ trợ, đồng hành của tỉnh cùng với tinh thần thi công quyết liệt của chủ đầu tư, tin rằng Dự án Cảng Tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đây sẽ là nền tảng quan trọng tạo dựng lên một khu đô thị hậu cần, công nghiệp, khoáng sản, năng lượng, với quy mô lên đến hàng chục tỷ đô la trong tương lai. Qua đó sẽ tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh bứt phá, “cất cánh”, phát triển bền vững trong tương lai; đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.