Nhân lên những tấm lòng...

Tôi từng nghe đến cụm từ “những mảnh ghép cuộc sống” đâu đó. Có dịp đến thăm các trung tâm bảo trợ xã hội trong tỉnh, mới thật sự cảm nhận được hết ý nghĩa của cuộc sống.

(NTO) Có nhiều và rất nhiều “những mảnh ghép” không may mắn của những con người bất hạnh, hằng ngày hằng giờ được che chở, cưu mang bởi những tấm lòng nhân ái của những nghĩa cử cao đẹp.

Chung tay…

“Chúng tôi chân thành cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp đã cùng trung tâm chia sẻ nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh”. Đó là lời tri ân của ông Nguyễn Trọng Tới, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh khi nói về những cá nhân đã trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thời gian qua. Không để lại danh tính hay bất kỳ địa chỉ nào, họ đến trung tâm bằng một chữ “tâm”. Họ chia sẻ với các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi và cả bệnh nhân mắc bệnh tâm thần từng củ khoai, cân gạo. Có người góp tiền, có người góp quà, có người lại góp hàng. Có người gián tiếp nhờ trung tâm chuyển. Có người xin được trực tiếp gặp gỡ, tặng quà. Mỗi trường hợp, mỗi cách trợ giúp nhưng chung quy lại, tất thảy họ đều thầm lặng đến rồi đi. Những người làm công tác tiếp nhận ở trung tâm thi thoảng bắt gặp một vài người trong số đó trên dòng người xe tấp nập nhưng chẳng thể biết được họ là ai.

Tình thương từ những cô bảo mẫu làm nên nụ cười trên môi các bé ở khu trẻ mồ côi

Cũng thầm lặng như thế, công việc “làm mẹ” của những cô bảo mẫu ở trung tâm thật đáng quý. 8 bà mẹ của 13 đứa con chung, những số phận bị bỏ rơi ngay khi lọt lòng như tìm được nguồn sống mới. Càng gắn bó với trung tâm thì trong suy nghĩ của các cô bảo mẫu, được chăm sóc, nuôi dưỡng các bé sơ sinh không chỉ là công việc mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày. Cô bảo mẫu Thanh Nhàn kể: “Số phận các em thât đáng thương. Có em mới lọt lòng đã bị bỏ trước cổng trung tâm, có đứa thì nhà chùa nhặt được, thậm chí có đứa được mẹ “gửi” mà không biết ngày nhận lại. Nhìn những gương mặt hãy còn đỏ hỏn, chúng tôi thấy nghẹn lòng”. Từ chỗ chăm bẵm vì thương cảm đến khi thấy đứa bé lớn lên từng ngày, bập bẹ gọi tiếng “mẹ”, là một lần cảm xúc dâng tràn. Như tình mẫu tử thiêng liêng, nhiều đứa còn chọn cho chúng một người mẹ riêng, chẳng chịu rời.

Với đặc thù công việc, thời gian bảo mẫu bên cạnh các bé ở trung tâm còn nhiều hơn thời gian dành cho con cái ở nhà. Nhưng nghề bảo mẫu không đơn thuần là công việc mà còn là cái nghiệp gắn với chữ “tâm”. Bởi có phải con mình mang nặng đẻ đau đâu mà sao thương thế! Các cô nhớ lại hôm trao bé Quang Bảo (8 tháng tuổi) cho một người nước ngoài nhận làm con nuôi, ai cũng nước mắt ngắn dài như thể tình mẫu tử bị chia cắt. 8 bà mẹ “bất đắc dĩ” ở trung tâm này đã từng trải qua không biết bao nhiêu lần như thế. Mỗi một lần trao tay, họ lại mong muốn đứa con bất hạnh sẽ được sống trong sự yêu thương, đùm bọc và che chở.

… nâng những ước mơ

Những lớp học tình thương đã từ lâu trở thành địa chỉ thân thiện của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cũng như bao nơi khác, lớp học tình thương Duyên Sáng do thầy Thích Giác Sáng lập ra không chỉ là lớp học đơn thuần mà đó còn là mái nhà chung của những học sinh có hoàn cảnh không may. Dãy nhà 2 phòng học, biên chế 4 lớp (1 lớp 3, 1 lớp 4 và 2 lớp 5) theo ca, có sân đủ rộng để các em vui chơi, sinh hoạt tập thể. Từ mái nhà Duyên Sáng, tình trạng học sinh bỏ học ở xã Thành Hải hôm nay đã hạn chế rất nhiều. Con em đồng bào Chăm nơi đây như có thêm niềm tin và động lực để thực hiện ước mơ được đến trường.

Thành lập lớp học tình thương từ năm 2008, thầy Thích Giác Sáng luôn tâm niệm, làm vì cái tâm chứ không phải ban ơn hay bố thí. Chính vì vậy, lớp học tình thương Duyên Sáng chỉ truyền miệng thôi mà học sinh theo học khá đông. Năm học nào cũng biên chế từ 80-100 em và luôn duy trì sỉ số. Trong căn phòng nhỏ hôm ấy, học trò lớp 3 đồng thanh theo nhịp thước nhẹ nhàng, chăm chú nghe cô giáo giảng bài trông thật đáng yêu. Là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, một buổi đến trường một buổi cắt cỏ bán, cô bé Hán Thị Thanh Quy ở thôn Thành Ý, xã Thành Hải lo sợ mình rồi cũng phải nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ mưu sinh như chị gái. Được nhà trường giới thiệu, em đã đến với lớp học tình thương của thầy Giác Sáng để theo đuổi ước mơ rất đỗi bình thường của thiếu nhi: ước mơ được đến trường. Thanh Quy bây giờ đã là học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Thành Hải 2 (xã Thành Hải, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) và là “đàn chị” trong mái nhà thân thiện Duyên Sáng.

Không còn khó khăn như năm đầu mới thành lập, lớp học tình thương Duyên Sáng nay đã có cơ sở mới khang trang. Ở ngôi trường này, ngoài việc học chữ, các em còn được dạy những điều hay, điều thiện; được cấp sách, vở, dụng cụ học tập và được khen thưởng bằng những suất học bổng khích lệ tinh thần. Nhìn những cô cậu học trò trong đồng phục “Lớp học tình thương Duyên Sáng”, tôi thấy trong ánh mắt mọi người niềm đồng cảm.