Hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả

Thời gian qua, từ các đề án khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã triển khai hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mua sắm thiết bị, máy móc. Qua đó, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Mặc dù năm 2020 do ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, một số chương trình bị cắt giảm, không thực hiện được, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án được phê duyệt năm 2020. Nhờ đó, đã tạo điều kiện khuyến khích phát triển CNNT, giúp cho các cơ sở CNNT định hướng và phát triển ổn định. Các hoạt động khuyến công như hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm CNNT; hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần giúp các DN có điều kiện giao lưu, giới thiệu, quảng bá, kết nối, cung ứng sản phẩm vào một số hệ thống chợ, bán lẻ mở rộng kênh tiêu thụ trong cả nước. Thông qua các phiên chợ hàng Việt đã giúp bà con nông thôn, miền núi tiếp cận được các mặt hàng Việt, chất lượng, giá nhiều ưu đãi. Ngoài ra, trong khuôn khổ của dự án FLOW/EOWE - Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Trung tâm cũng đã triển khai nhiều hoạt động giúp các cơ sở, DN, hợp tác xã, đặc biệt các DN có nữ lãnh đạo trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực kết nối thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, DN nữ phát triển kinh tế, có sự tự tin, nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo.

Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2020 đã hỗ trợ máy thanh trùng UHT cho
Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt.

Trong năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã được phê duyệt 3 đề án trong chương trình khuyến công quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 2,4 tỷ, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từng đề án, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ đảm bảo thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch được giao với các đề án: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ngói màu không nung tự động cho Công ty TNHH MTV Mỹ Viên, với tổng kinh phí hỗ trợ 800 triệu đồng; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông, lâm sản cho 4 đơn vị thụ hưởng (Công ty TNHH TM-XD-SX mộc Thanh Vân, Công ty TNHH SX-TM-NS Thái Thuận - Ninh Thuận, Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt và Công ty CP Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận), với tổng kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng; Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tiên tiến sản xuất ống nhựa nguyên sinh PVC cho Công ty TNHH MTV Tân Đại Lợi Ninh Thuận, với tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp cơ sở CNNT có sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2020. Kết quả có 6/10 sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020. Đối với chương trình khuyến công địa phương, Trung tâm đã triển khai 7 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 599,914 triệu đồng. Việc triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách đã trở thành động lực để các cơ sở, DN chuyển đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, năng suất được cải thiện, giảm lượng tiêu thụ điện năng, giảm thiểu đối đa ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng đề án và kinh phí hỗ trợ cho công tác khuyến công còn hạn hẹp, nhưng với nhiều biện pháp tuyên truyền tích cực nên các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh cũng đã được tiếp cận với nguồn hỗ trợ này. Trong năm 2021, Trung tâm sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch được giao về chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và điều hành, công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn giúp cơ sở CNNT tiếp cận thông tin, nắm bắt cơ chế chính sách hỗ trợ và thụ hưởng chính sách khuyến công, xây dựng mối liên kết giữa các DN và địa phương trong tỉnh nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tập trung phát triển nghề, làng nghề. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ phát triển DN, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các DN nhất là các sản phẩm OCOP của tỉnh.