Nông dân, ngư dân các địa phương ra quân sản xuất đầu Xuân Tân Sửu 2021

Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đầm ấm, vui tươi, từ sáng mùng 4 Tết, nhiều nông dân, ngư dân các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh ra quân lao động, sản xuất với khí thế thi đua sôi nổi, mong được nhiều thắng lợi trong mùa Xuân mới.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân mới, nông dân huyện Ninh Sơn ra đồng chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mong một năm mùa vàng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống càng đầy đủ, sung túc. Ngay từ sáng sớm, trên các cánh đồng đều trở nên nhộn nhịp, nông dân hớn hở người thì cấp nước, dặm cây cho lúa, người thì bón phân, làm bờ, tranh thủ cắt cỏ cho trâu, bò, dê... khi thức ăn dự trữ trước Tết đã hết. Anh Trần Công Danh, thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn ra vườn cắt những bó cỏ đầu Xuân mới về cho bò, chia sẻ: Gia đình tôi nuôi 3 con bò cái, 1 con mới đẻ, cỏ cắt từ 30 Tết dự trữ nay đã hết, nên ngay từ sáng tôi đã tranh thủ cắt cỏ non vỗ béo cho bò.

Nông dân huyện Ninh Sơn ra quân sản xuất đầu xuân mới. Ảnh: K.Thùy

Tại những cánh đồng chuyên canh trồng cây lâu năm và rau màu xã Nhơn Sơn, bà con cũng hăng hái ra đồng đầu Xuân mới. Phấn khởi vì năm nay được mùa được giá táo, chị Nguyễn Thị Gái, thôn Lương Cang, chia sẻ: Vui Tết xong, gia đình tôi ra vườn thu hoạch táo, vì trúng vụ dịp tết Nguyên đán nên táo được giá bán cao tại vườn hơn 15 ngàn đồng/kg, đầu Xuân mới gia đình có mùa thu hoạch bội thu. Theo kế hoach, vụ đông-xuân 2020-2021, diện tích gieo trồng toàn huyện Ninh Sơn trên 6.000ha, trong đó, nhóm cây lương thực hơn 4.400ha; cây tinh bột 63ha; cây thực phẩm gần 1.200ha; cây công nghiệp ngắn ngày 228ha, cây hàng năm khác 338ha. Đến nay, bà con đã tập trung triển khai xuống giống tập trung, dứt điểm từng vùng theo đúng lịch thời vụ nhằm hạn chế sâu bệnh, qua đó góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

* Sáng ngày 15-2 (Mùng 4 Tết), đi từ xã An Hải qua thị trấn Phước Dân và các xã Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Thái (Ninh Phước), chúng tôi nhận thấy trên các cánh đồng lúa và các vườn nho, táo đã có nhiều nông dân ra đồng làm việc. Ở làng Bình Quý (khu phố 8, 9, 10, 15, thuộc thị trấn Phước Dân), theo con đường trục chính vào điểm tham quan vườn dâu tây, chúng tôi bắt gặp một số nông dân đang chở cỏ về cho bò ăn. Bà Phạm Thị Lưu Hường, khu phố 8, có đám ruộng hơn 1,5 sào trồng rau muống và hành tây, vừa nhổ cỏ hành vừa cho biết, dù Tết bà vẫn thích ra đồng làm việc vì đã quen. Cạnh Tỉnh lộ 703, ông Phạm Mạnh, khu phố 10 đang cắt cỏ bằng máy, tiếng máy nổ inh ỏi tạo không khí lao động sôi nổi hẳn. Ông Mạnh trồng 2,3 sào cỏ rau trai để làm thức ăn cho đàn gia súc đang nuôi gồm 150 con dê, cừu, do công việc nên từ ngày Mùng 1 đến nay ông đã làm việc như thường ngày.

Nông dân Ninh Phước ra quân sản xuất đầu xuân mới. Ảnh: B.Thương

Ở thôn Đá Trắng (Phước Thái), anh Nguyễn Văn Hải đang xịt thuốc bảo vệ thực vật cho lúa chia sẻ: Tôi có hơn 1 ha lúa, vụ đông - xuân này trồng được hơn 1 tháng rồi, nghĩ Tết xong là sáng sớm nay tôi đã ra đồng làm việc rồi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm nay Ninh Phước trồng 9.899 ha lúa, 2.500 ha bắp, 4.901 ha rau đậu các loại, 1.381 ha cỏ chăn nuôi, 475 ha nho và 742 ha táo. Do tính chất đặc thù của nghề nông, ngay trong những ngày cuối tháng chạp cận Tết và những ngày Mùng 1,2,3 Tết, nhiều nông dân đã ra đồng sản xuất. Anh Nguyễn Văn Tài, thôn Phước Khánh (Phước Thuận) trồng 2 sào nho, 1 sào đất trồng cỏ và các cây màu, đồng thời có chuồng nuôi vỗ béo 25 con dê. Anh cho biết: Ngoài tận dụng lá nho, cỏ của rẫy nhà, nghỉ Tết xong là phải tranh thủ đi mua lá nho, táo tại các vườn khác để cho dê ăn. Theo lời anh, trước Tết, do COVID-19 nên dê không xuất chuồng được và nho cũng không được giá, nhưng hiện nay đã có tín hiệu vui về giá nho đang lên và anh cũng hy vọng việc tiêu thụ dê thịt sẽ trở lại bình thường.

* Hòa chung không khí ra quân sản xuất đầu Xuân của nông dân ở các địa phương trên toàn tỉnh, sáng Mùng 4 Tết, nông dân huyện Thuận Bắc ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông – xuân. Trên cánh đồng lúa xã Bắc Sơn, chúng tôi chứng kiến không khí lao động sôi nổi, nhộn nhịp, ai cũng tất bật với công việc, người giặm lúa, người bón phân, người phun thuốc trừ sâu. Ông Châu Tuấn ở thôn Láng Me, cho biết: Vụ lúa chủ lực năm nay các hộ sử dụng giống tốt, gieo sạ đồng loạt, đến nay đã gần 1 tháng, riêng gia đình sản xuất 4 sào. Đầu xuân mới, tôi tranh thủ ra đồng sớm để cấy giặm, và kiểm tra tình hình sâu bệnh. Mặc dù thời tiết từ trước Tết đến nay có gió và sương lạnh, nhưng qua quan sát, lúa đang phát triển tốt, không có dấu hiệu của sâu bệnh.

Sau những ngày nghỉ Tết, nông dân thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) ra đồng chăm sóc lúa. Ảnh: Thanh Thịnh

Theo báo cáo của UBND huyện Thuận Bắc, năm nay lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tương đối ổn định, toàn huyện gieo trồng trên 2.524 ha cây trồng các loại. Trong đó, tập duy trì 4 cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 289 ha trồng. Huyện khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất; triển khai, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao. Ra quân sản xuất đầu Xuân trong tiết trời ấm áp, nông dân huyện Thuận Bắc cầu mong “mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

* Tại huyện Thuận Nam, sau những ngày vui Tết, ngay từ Mùng 3 Tết, nông dân và ngư dân đã đồng loạt “ra quân” lao động, sản xuất, với khí thế thi đua sôi nổi mong mùa vụ bội thu. Vụ đông-xuân năm nay, toàn huyện xuống giống 2.140 ha cây trồng các loại, trong đó, cây lúa 1.700 ha, còn lại là cây màu chủ yếu bắp và đậu các loại. Trên các cánh đồng lúa thuộc xã Phước Nam, Phước Hà, Nhị Hà, Phước Ninh, không khí lao động sản xuất đầu năm không tất bật, nhưng rộn ràng tiếng nói cười của những nông dân ra đồng chăm sóc lúa đầu xuân. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển tốt, bà con rất phấn khởi. Các hộ trồng cây ăn quả, nhất là mãng cầu sau đợt thu hoạch phục vụ trong dịp Tết cũng đã ra vườn từ sớm, tranh thủ những ngày cúng “hạ niêu” để hái thêm đợt quả bán lấy lộc năm mới.

Công ty TNHH MTV Nhà máy gạch không nung Mỹ Viên thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh (Thuận Nam) ra quân sản xuất đầu năm. Ảnh: V.Miên

* Cùng với nông dân, ngư dân trong tỉnh cũng đã ra khơi đầu xuân mới, với cầu mong thuận buồm, xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản. Tại các xã biển Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh, năm nay tuy không tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày Mùng 3 Tết, nhưng đã là tục lệ lâu đời, bà con ngư dân đều tổ chức lễ cúng Thần Nam Hải mong được thần biển chở che, ngư trường thuận lợi, dồi dào, tàu ghe lúc nào cũng đầy ắp tôm cá. Những chuyến tàu cá công suất lớn nhổ neo tiến ra khơi, một số ghe đánh bắt gần bờ tranh thủ chuyến biển đầu năm thu về “lộc biển”.

Ngư dân Thuận Nam vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Văn Miên

Nhiều loại hải sản được tiểu thương thu mua, chở về các chợ trung tâm thành phố bán với giá khá cao, như mực các loại giá từ 80-320 ngàn đồng/kg; cá hố 120 ngàn đồng/kg; cá sòng nhỏ 70 ngàn đồng/kg, cá ngân lớn 150 ngàn đồng/kg; các loại cá lớn như cá mú, cá bóp, cá thu giá từ 170-220 ngàn đồng/kg… Hộ ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh cho biết: Ngay từ Mùng 3 Tết, nhiều nhà đã tất bật chuẩn bị ngư cụ và sắm sửa lễ vật cầu ngư, sẵn sàng cho mùa đánh bắt mới với hy vọng sẽ thu về những mẻ lưới đầy cá. Có hộ đã đi biển từ Mùng 2 Tết thu được gần chục tạ cá. Theo ghi nhận của chúng tôi, sau nghi thức cúng “mở cửa biển”, ngư dân Thuận Nam đã đồng loạt ra khơi, sẵn sàng cho một mùa biển mới.

* Sau những ngày nghỉ Tết, sáng Mùng 4 Tết, tiết trời nắng ấm, thuận lợi, nhiều ngư dân ở huyện Ninh Hải bắt đầu chuyến khởi hành ra khơi đầu xuân với hy vọng cá tôm đầy khoang, khởi đầu cho năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa, nhiều bội thu cho ngư dân miền biển. Từ tờ mờ sáng, trên những chiếc thuyền tại cảng biển Ninh Chử (Ninh Hải), không khí phấn khởi trên từng khuôn mặt ngư dân, mọi người nhộn nhịp chuẩn bị các ngư cụ như đá lạnh, xăng dầu, máy móc, neo, lưới để ra khơi đầu năm. Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, chuyến ra khơi đầu năm thuận lợi sẽ mang lại may mắn, suôn sẻ cho cả năm nên công tác chuẩn bị được các tàu thuyền chăm lo, chu đáo.

Ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt đầu năm. Ảnh: Hồng Nguyệt

Ngư dân Nguyễn Hữu Bình, ở Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải), cho biết: Trước khi nghỉ tết Nguyên đán tôi và các thuyền viên cũng đã bảo dưỡng máy móc, dụng cụ để chuẩn bị đầu năm ra khơi. Nhưng trước khi khởi hành vào ngày Mùng 4, thì vẫn phải kiểm tra lại một lần nữa cho chắc chắn, an toàn. Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, sau dịp Tết thời tiết thuận lợi là thời điểm biển có nhiều luồng tôm, cá. Không những thế, sau những ngày Tết, hải sản các loại thường đắt hàng, giá cũng cao hơn ngày thường nên nhiều ngư dân đã xuất phát ra khơi sớm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện Ninh Hải có 834/132.590 CV tàu thuyền, sản lượng khai thác hải sản đạt 30.050 tấn, tăng 3,37% so với năm 2019. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nghề khai thác thủy sản của huyện đã được duy trì và phát triển tốt. ngư dân đã tập trung huy động các nguồn vốn để mua sắm ngư cụ, tàu thuyền, đẩy mạnh việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Thời điểm đầu Xuân mới, việc ra khơi không chỉ đem lại kinh tế mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng từ mỗi chuyến đi biển. Mỗi ngư dân, mỗi chiếc thuyền đánh cá ra khơi mang theo những ước vọng cho một năm cá nặng lưới đầy.

* Từ Mùng 3 Tết, nhiều ngư dân làm nghề khai thác tôm hùm giống ở thôn Phú Thọ, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã xuất hành chuyến biển đầu Xuân. Nhiều ngư dân đã trúng lộc biển ngay từ ngày đầu xuất hành, trung bình mỗi ngày có thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng. Có mặt ở địa phương, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm chiếc thúng chèo tay của ngư dân ra biển để khai thác tôm hùm giống. Cầm trên tay chai đựng tôm hùm con vừa khai thác được sau gần 3 giờ đồng hồ trên biển, anh Nguyễn Quốc Khánh phấn khởi, chia sẻ: Hôm nay tôi dũ được 22 con, bán được hơn 1 triệu đồng. Nhiều ngày nay, tôm hùm sao nở nhiều, ngư dân rất phấn khởi vì giá cao gấp 2 lần tôm hùm đinh, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Tôm năm nay xuất hiện khá dày trong những ngày đầu Xuân mới, nhiều người trúng “lộc biển”.

Niềm vui của anh Nguyễn Quốc Khánh ở thôn Phú Thọ, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) trong chuyến biển đầu xuân.Ảnh: Kha Hân

Hiện giá tôm hùm sao từ 80 ngàn đến 85 ngàn đồng/con; tôm hùm xanh giá từ 32 ngàn đến 35 ngàn đồng/con. Trung bình trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 giờ bong dũ, mỗi ngư dân có thu nhập 500 ngàn đến 700 ngàn, cá biệt có ngư dân trúng đậm trên 1 triệu đồng. Nhờ “lộc biển” mang lại ngay từ đầu Xuân mới, đã giúp nhiều ngư dân có thu nhập ổn định từ nghề đánh bắt tôm hùm con.