Nông dân thời hội nhập

Nắm được xu thế trong thời kỳ đổi mới, nhiều nông dân trong tỉnh đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh vươn lên làm giàu, góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương.

Ngược lên vùng cao xã Phước Thành (Bác Ái), chúng tôi được giới thiệu cách làm hay của những nông dân áp dụng kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, cây cối cựa mình, ứa nhựa, đâm chồi xanh, sức xuân tràn đầy giữa vùng cao Phước Thành. Là xã miền núi đặc biệt khó khăn, người dân nơi đây sống dựa vào nông nghiệp, thế nhưng do địa hình đất đồi, sườn dốc lại không có điện khiến việc đưa nước tưới cho cây trồng gặp khó. Việc canh tác phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước trời nên sản xuất bấp bênh, nhiều vụ mất trắng. Trước những khó khăn, trở ngại do điều kiện tự nhiên, anh Lê Thiên Hòa, thôn Ma Rớ đã mày mò sáng chế hệ thống bơm thủy lực đưa nước lên đồi tưới cho vườn cây ăn trái. Với nguyên lý hoạt động khá đơn giản, anh xây một bể chứa nước thiết kế 2 ống dẫn nước với chức năng dẫn nước dùng cho sinh hoạt, ống còn lại dẫn nước đến cụm van thủy lực để đưa nước tưới lên đồi. Với độ cao dao động khoảng 15-20 m, phía trên đầu nguồn anh thiết kế ống to và càng về sau thiết kế ống càng nhỏ dần, vì thế mà nước được dẫn xuống tận vườn. Điều độc đáo là hệ thống bơm này không cần sử dụng nhiên liệu, chỉ lợi dụng độ cao và dựa vào lực đẩy của nước. Anh Thiên Hòa chia sẻ: Chỉ với 20 triệu đồng đầu tư xây lắp, nhưng hệ thống bơm thủy lực có thể sử dụng lâu dài, tiết kiệm công lao động, chi phí và góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ duy trì được nguồn nước sản xuất nên 1,2 ha cây ăn trái các loại của gia đình anh xanh tươi, hứa hẹn cái Tết sung túc... Đồng chí Trương Công Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành cho biết: Trước đây người dân sử dụng ống tre, lồ ô để dẫn nước sản xuất, nhưng hiệu quả không cao. Bởi những vật liệu này dễ hư hỏng, nước dẫn về ít và áp dụng tưới diện tích nhỏ. Với hệ thống bơm thủy lực bằng ống nhựa nước có thể dẫn qua nhiều đồi núi, mà ít bị rò rỉ. Với sự năng động, sáng tạo hệ thống “máy bơm thủy lực” của anh Lê Thiên Hòa có thể xem là “chìa khóa” giúp người dân địa phương áp dụng, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả có giá trị, mang lại thu nhập cao.

Chia tay kỹ sư Lê Thiên Hòa, chúng tôi đến thăm Trang trại FAPA Farm, xã Nhị Hà (Thuận Nam), một trong những trang trại tiên phong áp dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ cao, sản xuất dưa lưới theo hướng hữu cơ an toàn. Nhận thấy dưa lưới có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng mở, sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng, cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu tại địa phương, từ số vốn tích lũy được, năm 2019, anh Đào Thái Hà, chủ trang trại FAPA Farm lắp đặt 6 nhà màng trồng dưa lưới trên diện tích 1.500 m2. Để có sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chí an toàn, toàn bộ quy trình canh tác được anh kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Nhằm hạn chế sâu bệnh, các giá thể trước khi đưa vào trồng ở nhà màng đều được ngâm ủ bằng xơ dừa để khử khuẩn. Đặc biệt, anh Hà còn áp dụng công nghệ bón phân cũng như tưới nước nhỏ giọt qua một chiếc ống nhựa, giúp tiết kiệm được thời gian. Trang trại còn dùng lá neem ủ lên men lấy dung dịch phun cho dưa để đề phòng sâu, bệnh xâm nhập vào nhà màng theo nhân công.

Công ty Cổ phần Nắng và Gió (Ninh Sơn) giới thiệu sản phẩm dưa lưới tại Hội nghị Xúc tiến cung - cầu
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh năm 2020. Ảnh: V.Nỷ

Việc trồng dưa lưới trong nhà màng giúp khắc phục những bất lợi của thời tiết, ngăn côn trùng xâm nhập nên trái dưa lớn nhanh, giúp trái có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều; đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao, quy trình trồng chặt chẽ nhưng bù lại giá trị sản phẩm lại cao, đầu ra ổn định nên trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao hứa hẹn nhiều tiềm năng. Một vụ sản xuất dưa lưới khoảng 60-70 ngày nên mỗi năm có thể sản xuất được 4 vụ. Mỗi sào dưa lưới cho sản lượng bình quân 2,4 tấn trái. Với giá bán từ 60.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư có thể có lãi gần 400 triệu đồng/vụ.

Thành công bước đầu của mô hình đã tiếp thêm động lực để anh Hà đầu tư, mở rộng Trang trại lên 4.000 m2 với 16 nhà màng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Việc ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ an toàn là hướng phát triển trong xu thế hiện nay, giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế, mô hình trồng dưa lưới của Trang trại FAPA Farm còn góp phần tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng sự quan tâm, khích lệ từ phía chính quyền, những nông dân hôm nay đang tự tin bước trên con đường của thời kỳ hội nhập, sớm trở thành những “nông dân 4.0” đúng nghĩa; từng bước làm chủ công nghệ, khoa học - kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, đời sống hằng ngày.