Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Xác định xuất khẩu lao động (XKLÐ) là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã vào cuộc tích cực, tạo nhiều đột phá trong công tác XKLÐ. Nhờ đó, hàng trăm lao động có thu nhập cao, tạo nguồn nội lực mạnh mẽ làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương.

Mở hướng thoát nghèo

Xuất thân trong một gia đình thuần nông thuộc diện hộ cận nghèo ở xã Phước Ninh (Thuận Nam), những năm trước đây, anh Lê Xuân Phi theo ba làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh. Đầu năm 2017, với quyết tâm cao, Phi chủ động tìm hiểu, vay vốn và tham gia XKLĐ tại Nhật Bản với mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau 3 năm chăm chỉ làm việc, Phi trở về quê hương, giúp gia đình thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng, sửa sang lại nhà cửa, ngoài ra còn tích lũy được hơn 800 triệu đồng giúp ba mẹ có vốn trồng trọt, chăn nuôi, bớt vất vả. Bản thân Phi cũng có thêm điều kiện thành lập gia đình và chăm lo cho con nhỏ. Phi hào hứng chia sẻ: Sau khi kết thúc hợp đồng XKLĐ 3 năm, chủ sử dụng lao động bên Nhật Bản còn tạo điều kiện cho mình tiếp tục làm việc thêm 2 năm nữa. Dự kiến, sau thời gian vui xuân, đón Tết với gia đình, Phi sẽ tiếp tục sang Nhật Bản làm công việc thi công đồ gỗ, đồ trang trí nội thất để học hỏi và nâng cao tay nghề, quan trọng là có cơ hội tích lũy thêm vốn để sau này trở về quê hương khởi nghiệp với một xưởng mộc của riêng mình.

Đổi thay rõ rệt nhất nhờ XKLĐ phải kể đến vùng đồng bào dân tộc Raglai ở huyện miền núi Bác Ái. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang được xây dựng bằng tiền tiết kiệm trong thời gian 3 năm đi XKLĐ, chị Chamaléa Thị Diệu, thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại tâm sự: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất thôn, nhà đông anh em, kinh tế khó khăn. Hằng ngày, dù làm việc vất vả nhưng thu nhập thấp không đủ sống. Nỗ lực tìm hướng thoát nghèo, năm 2016, tôi đi XKLĐ với công việc giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út. Nhờ chịu khó làm việc, công việc lại phù hợp với khả năng của bản thân nên cứ khoảng 3 tháng, tôi lại gửi tiền về cho gia đình hơn 16 triệu đồng. Sau 3 năm đi XKLĐ, gia đình tôi đã xây dựng được 1 căn nhà khang trang, mua 1 chiếc xe máy làm phương tiện đi lại và nuôi 5 con bò sinh sản. Nhờ XKLĐ mà gia đình có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Nhờ XKLĐ mà bà con vùng đồng bào dân tộc Raglai ở huyện miền núi Bác Ái
có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Phan Bình

Tương tự, chị Katơr Thị Điệp ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại đi XKLĐ từ năm 2015 tại Malaysia, làm nghề điện tử, cứ khoảng 2 tháng, chị tích góp gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị đã trả được nợ ngân hàng, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang và mua thêm được 8 con bò.

Đồng chí Trần Quý Dương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Bác Ái cho biết: Qua công tác chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, tư vấn tuyển chọn các lao động xuất khẩu, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có số người đăng ký tham gia đi XKLĐ đạt tỷ lệ cao, tiêu biểu như các xã Phước Đại, Phước Bình, Phước Tiến... Qua thống kê, giai đoạn 2010-2020, toàn huyện có 269 lao động tham gia xuất khẩu. Số lao động gửi tiền về cho gia đình đạt 17 tỷ đồng. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, toàn huyện có 11 lao động đi làm việc có thời hạn ở Đài Loan và Ả Rập Xê Út với mức thu nhập 9-11 triệu đồng/tháng, số tiền gửi về cho gia đình trong năm 2020 hơn 2 tỷ đồng. Ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, nhiều người đi XKLĐ còn tích góp vốn gởi về cho gia đình mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, nhiều hộ mua sắm được ti vi, tủ lạnh, sửa sang nhà cửa khang trang, không chỉ giúp gia đình họ thoát nghèo, trở nên khá giả mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.

Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động

Giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là một trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy giai đoạn 2016-2020, trong đó XKLÐ là ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các chính sách, quy định về XKLÐ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của XKLÐ. Các thủ tục hành chính như thông tin về thị trường và đơn vị XKLÐ, vay vốn tín dụng, hỗ trợ học nghề cũng được cải cách theo hướng đơn giản hóa, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đưa 812 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 23% kế hoạch giao. Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta. Những lao động này, sau khi trở về sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành những nhân tố tích cực trong đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công tác tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Vượt qua năm 2020 với khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều thị trường lao động đang dần mở cửa, để nâng cao hiệu quả XKLĐ, thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và rà soát nhu cầu lao động đi xuất khẩu trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, quan tâm tạo điều kiện cho đối tượng người lao động có nhu cầu để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời; đồng thời, có những cơ chế, chính sách để thu hút người dân tham gia XKLĐ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức các buổi hội thảo, đối thoại; mở chi nhánh, đặt văn phòng tại các xã, phường để tư vấn, tuyển chọn lao động. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực một cách đồng bộ; trang bị tốt cho người lao động từ trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ đến ý thức tổ chức, kỷ luật, tác phong làm việc phù hợp với môi trường nước ngoài. Tỉnh cũng sớm xây dựng quy chế phối hợp tuyển dụng giữa doanh nghiệp XKLĐ với Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại về công tác tuyển chọn lao động và vay vốn đi XKLĐ. Đối với lực lượng lao động sau khi về nước, có kế hoạch tổ chức quản lý và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả; thu hút, mời gọi những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật vào làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều lao động đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài phải đón Tết xa quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song, nhìn về quê nhà đang ngày càng phát triển, cuộc sống của bà con khá giả, mùa xuân nơi xứ người cũng trở nên ấm áp hơn trong ánh nắng của niềm tin và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn nhờ XKLĐ.