Cây Trám

Còn gọi là cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Cămpuchia). Tên khoa học Canarium album. Thuộc họ Trám Burseraceae. Thanh quả là quả trám trắng chín phơi hay sấy khô. Còn có tên là can thanh quả hay cảm lãm.

Mô tả cây

Trám trắng là một cây cao từ 12-15m thân mọc thẳng đứng, đường kính đạt tới 0,4-0,6m. Lá mọc so le, kép lông chim gồm 5-7 đôi lá chét, cuống lá chung dài bằng 1/4-1/3 toàn lá, cuống lá chét dài 5-8mm. Lá chét dài 5-17cm, rộng 2-5,5cm mép nguyên. Hoa hình cầu, màu trắng, mọc thành từng nhóm 2-3 thành chuỳ ở đầu cành hay kẽ lá. Chuỳ dài 8-10cm. Quả hình thoi, hai đầu tù, dài 45mm, rộng 20-25mm, hạch cứng nhẵn, hình thoi với 2 đầu nhọn, trong có 3 ngăn. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 8-10.

Công dụng và liều dùng

Quả trám trắng chỉ thấy dùng trong nhân dân. Tính chất chữa bệnh của trám ghi trong các tài liệu đông y cổ là: Vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc, vào 2 kinh phế, lợi yết hầu sinh tân chỉ khát, giải độc, là thuốc chữa yết hầu sưng đau, hoà hãn tư bổ, có thể giải được say rượu, nọc cá độc, nọc con dải, còn dùng chữa cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm. Ngày dùng 2 đến 3 quả hoặc có thể hơn.

Nhựa trám dùng cất tinh dầu dùng trong kỹ nghệ nước hoa, côlôphan còn lại có thể dùng trong kỹ nghệ xà phòng, véc ni. Trong kháng chiến, tinh dầu đã được dùng làm dung môi chiết xuất cafein trong lá chè. Trong nhân dân dùng nhựa trám trộn với thân đậu tương làm hương thơm thắp khi cúng bái ngày lễ.

Đơn thuốc có thanh quả hay quả tram trong nhân dân

Chữa hóc xương cá: Ngậm quả trám, nuốt lấy nước, hoặc sắc 5 quả trám, lấy nước cho ngậm và nuốt.

Chữa ngộ độc do ăn phải cá độc: 3 quả trám sắc lấy nước uống

Cao quả trám: Quả trám bóc bỏ hột 100g. Thêm nước nấu đặc thành cao lỏng, sau thêm 50g phèn chua cô đặc lại lần nữa. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 2-3g chữa cổ họng sưng đau nhiều đờm.