Đón Tết an toàn trong mùa dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi người lao động cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết để bảo đảm sức khỏe, việc làm lâu dài, an toàn. Mới đây, Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam cũng đã gửi các infographic khuyến cáo đón Tết an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan tràn trên toàn cầu.

Sẽ thực hiện khai báo y tế toàn dân

Sau 9 ngày bùng phát, tính đến 6 giờ ngày 5-2-2021, đã có 375 ca mắc COVID-19 mới tại 10 tỉnh, thành phố (không tính các ca nhập cảnh).

Trước diễn biến của dịch COVID-19 do chủng mới của virus SARS-CoV-2, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất, yêu cầu thực hiện khai báo y tế toàn dân. Theo đó, Bộ Y tế theo dõi, cập nhật, công bố thông tin lên trang Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19. Các doanh nghiệp viễn thông thống nhất, những đối tượng từ vùng dịch trở về, sau khi nhắc nhở lần thứ nhất vẫn không khai báo y tế thì sẽ không được sử dụng dịch vụ viễn thông.

Trước nhận định của các chuyên gia "đeo khẩu trang cơ bản vẫn là biện pháp an toàn nhất để phòng, chống dịch bệnh", các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, các địa phương kiên quyết xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập đông người-Khai báo y tế). Cụ thể:

- Khẩu trang: Đeo khẩu trang theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế

- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

- Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

- Không tụ tập đông người.

- Khai báo y tế: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.xn--vn-rma2251a/ được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được

Người lao động hạn chế đi lại, cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết

Theo thống kê của Công đoàn Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 193.000 công nhân quê miền Bắc, miền Trung đang làm việc trên địa bàn sẽ không về quê ăn Tết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi người lao động cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết để bảo đảm sức khỏe, việc làm lâu dài, an toàn. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị anh, chị em công nhân hợp tác khai báo y tế, giúp truy vết, xử lý kịp thời các ca nghi nhiễm COVID-19; thực hiện đầy đủ các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Qua theo dõi nắm tình hình của các cấp công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khanh cho biết, đến nay, hàng trăm nghìn công nhân lao động ở lại không về quê, nhất là công nhân lao động khu vực phía Nam. Hàng trăm nghìn công nhân dù nhiều năm không được sum vầy ngày Tết bên gia đình vẫn tự nguyện ở lại để tránh dịch. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn làm tốt công tác chăm lo Tết cho người lao động, không để người lao động nào không có Tết.

Các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động; tổ chức các gian hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng trong dịp Tết. Với phương châm “Đón Tết an toàn trong mùa dịch”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp, khu nhà trọ, không tổ chức các sự kiện bề nổi, tập trung đông người.

Để phòng dịch hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) lưu ý: tất cả người dân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất. Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…

Người dân khi về quê ăn Tết cũng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn…

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức phòng, chống dịch để cùng nhau đón một cái Tết an toàn.

Theo TTXVN