Hiệu quả Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên

Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1940/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 (Quyết định 1940), từ năm 2018 đến nay, 7/7 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch, quyết định phê duyệt đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên giai đoạn 2018-2021, mang lại kết quả khả quan, góp phần đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối, hạn chế tối đa trường có quy mô nhỏ, manh mún, lãng phí về nhân lực, tài chính.

Cùng với một số trường, lớp đã được sắp xếp trong năm học 2018-2019, 2019-2020, đầu năm học 2020-2021, các địa phương trong tỉnh tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên theo Quyết định 1940. Tại huyện Ninh Phước, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã chủ động tham mưu UBND huyện sáp nhập theo chỉ đạo của tỉnh. Thầy giáo Phạm An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước, cho biết: Công tác sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2021 được triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo đó, năm 2018, huyện đã sáp nhập Trường Mẫu giáo Phước Dân 2 vào Trường Mẫu giáo Sơn Ca thành Trường Mẫu giáo Sơn Ca; năm 2019, sáp nhập Trường TH Hiệp Hòa vào Trường TH Thuận Hòa thành Trường TH Thuận Hòa-Hiệp Hòa; năm 2020, sáp nhập Trường TH Phú Nhuận vào Trường TH Vạn Phước thành Trường TH Vạn Phước-Phú Nhuận.

Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh, xã Cà Ná (Thuận Nam) được đầu tư khang trang đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương.

Theo kế hoạch, trong năm 2021, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện sáp nhập Trường TH Liên Sơn 1 vào Trường THCS Phước Vinh thành Trường TH và THCS Phước Vinh; sáp nhập Trường TH Từ Tâm 2 vào Trường TH Từ Tâm 1 thành Trường TH Từ Tâm. Việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp được thực hiện theo nguyên tắc sắp xếp trường có quy mô nhỏ trước, sau đó đến trường có quy mô lớn hơn; được Nhân dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Sau sáp nhập, các trường cũng sớm ổn định tổ chức, đảm bảo hoạt động dạy-học nền nếp, hiệu quả. Đối với bộ máy nhân sự, trung bình 2 trường sau sáp nhập giảm khoảng 5 nhân sự. Số nhân sự dôi dư được phòng điều chuyển, sắp xếp công tác về các đơn vị khác trên cùng địa bàn hoặc địa bàn lân cận nên không ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đến nay, toàn huyện có 52 cơ sở giáo dục (10 trường mẫu giáo, 10 trường THCS và 32 trường TH), giảm 3 trường so với năm học 2015-2016. Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên giúp các trường tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý. Tuy vậy, đối với trường có 2 cấp học (TH và THCS) vì đặc thù tổ chức hoạt động, dạy học khác nhau nên sẽ có khó khăn cho công tác tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục.

Đồng chí Nguyễn Thái Quang, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD&ĐT, cho biết: Việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên theo Quyết định 1940 của UBND tỉnh cơ bản thực hiện đúng tiến độ. Các trường sau sáp nhập, thành lập mới hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng, nề nếp dạy-học. Đối với hệ công lập, đến nay, toàn tỉnh còn 64 trường mầm non, giảm 8 trường; 136 trường TH, giảm 16 trường; 61 trường THCS, giảm 2 trường và 21 trường THPT, tăng 1 trường (thành lập mới Trường THCS, THPT Đặng Chí Thanh); đã sáp nhập Trung tâm GDTX tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp Phan Rang thành Trung tâm GDTX-Hướng nghiệp tỉnh. Tại cơ quan sở GD&ĐT, đã sắp xếp, kiện toàn cơ quan sở từ 10 phòng chức năng xuống còn 4 phòng chức năng. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh thành lập mới Trường THCS, THPT Trần Hưng Đạo (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Vĩnh Thuận (Ninh Phước).

Nhìn chung, việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc thù mỗi địa phương và đảm bảo các tiêu chí, mục tiêu đề ra. Sau sáp nhập, thành lập mới, các hoạt động giáo dục đảm bảo hoạt động ổn định, không xáo trộn và không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhiều đơn vị sau sáp nhập phát huy tốt hơn vai trò dạy-học, được ngành GD&ĐT, các cấp chính quyền đánh giá cao. Đơn cử như Trường Mẫu giáo Phước Đại (Bác Ái) thành lập đi vào hoạt động từ năm học 2018-2019 trên cơ sở sáp nhập Trường Mầm non Hoa Mai và Mẫu giáo Phước Đại là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng môi trường, vật chất xã hội bên ngoài lớp học đáp ứng mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen điển hình trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, sau sáp nhập, nhà trường cũng được nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng và vốn ngân sách tỉnh đầu tư trên 5,2 tỷ đồng xây mới 6 phòng học và các hạng mục phụ trợ tại cơ sở Ma Hoa. Sau hơn 10 tháng xây dựng, tháng 5-2020, cơ sở hoàn thành đưa vào sử dụng giúp nhà trường nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Những kết quả đạt được góp phần đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo dựng và giữ vững niềm tin của phụ huynh, học sinh đối với hoạt động dạy-học của các đơn vị giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.