Đầu tư công trọng điểm: 'Quả đấm thép' cho tăng trưởng kinh tế

Cùng với những giải pháp tích cực và mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và Luật Đầu tư công (số 39/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nguồn vốn đầu tư công sẽ được tập trung đầu tư vào các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương; đồng thời, tập trung vào những dự án mang tính chất “quả đấm thép” trong tăng trưởng, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Đầu tư công - vai trò quan trọng trong tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến hết niên độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 (đến 31/1/2021), giải ngân đầu tư công năm 2020 ước đạt trên 90% so với kế hoạch. Đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%).

Các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh khôi phục mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều hệ lụy tới nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 vẫn cao nhất giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, có 17 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2020 ước đạt trên 80%; trong đó 10 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%. Có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó có 6 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.

Cùng với đó, một trong số những dự án lớn có tốc độ giải ngân nhanh là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9,96 nghìn tỷ đồng/10,8 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%.

Là một trong những địa phương trong cả nước có tỷ lệ giải ngân cao, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã giao kế hoạch đầu tư phát triển sớm ngay từ đầu tháng 12/2019.

Trong kế hoạch vốn năm 2020, thành phố luôn chủ động thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt cho giải phóng mặt bằng các dự án từ kinh phí dự phòng đầu tư công; chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch vốn bố trí cho việc chuẩn bị đầu tư; thanh quyết toán dự án từ kế hoạch vốn bố trí quyết toán… Nhờ đó, ước giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 toàn thành phố được 40.743 tỷ đồng, đạt 90,7% so với kế hoạch đầu năm và 93% kế hoạch sau điều chỉnh.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải ngân 12 tháng của niên độ ngân sách năm 2020 của thành phố cao gấp 1,7 lần về giá trị tuyệt đối và cao hơn cả về tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ giải ngân đạt 18.540 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 67,6%).

Từ những con số trên cho thấy, chưa bao giờ, tốc độ giải ngân đầu tư công lại nhanh và mạnh như năm 2020. Riêng với năm 2020, có thể khẳng định đầu tư công là động lực tích cực cho tăng trưởng GDP. Ví dụ như GDP là 100%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm 34% GDP, đầu tư công chiếm 25% của tổng đầu tư toàn xã hội, nghĩa là chiếm khoảng 6-7% của GDP.

“Con số này là tính đến đóng góp trực tiếp, chưa tính tác động lan tỏa của đầu tư công cho GDP. Điều này cũng khẳng định rằng, đầu tư công có một vai trò quan trọng trong tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra, lần đầu tiên sau nhiều năm (năm 2019), chúng ta đã giao một lần toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển.

“Những cải cách này đã thực sự khắc phục tình trạng nhiều năm qua, đó là đầu tư công dàn trải, phân tán; chậm trễ trong bố trí và điều chuyển vốn; giảm thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng nhưng gắn liền trách nhiệm rõ ràng và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua thực hiện tốt việc hậu kiểm và ứng dụng công nghệ thông tin”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Luật Đầu tư công giúp quản lý chặt chẽ hơn

Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp ưu tiên và có tính khả thi nhất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn ngân sách nhà nước năm 2021.

Để đạt mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị triển khai các giải pháp như: khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án đảm bảo các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, trong quý I/2021, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021; đồng thời, chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,... đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP Hà Nội cũng đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Các dự án đầu tư công năm 2021 của Hà Nội sẽ được rà soát, thẩm định kỹ, bảo đảm tổng mức đầu tư sát thực tế, xác định rõ thứ tự ưu tiên từ nhu cầu đầu tư của các cấp, ngành và địa phương.

Trong kế hoạch vốn năm 2021, thành phố sẽ chủ động thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt cho các việc giải phóng mặt bằng các dự án từ kinh phí dự phòng đầu tư công; chuẩn bị đầu tư từ kế hoạch vốn bố trí cho chuẩn bị đầu tư; thanh quyết toán dự án từ kế hoạch vốn bố trí quyết toán…

Một trong những giải pháp được TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai là đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động đầu tư công thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kiên quyết đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn vào cuối năm.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm kế hoạch 2021 đạt dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan”, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết.

Cùng với những giải pháp mạnh mẽ của từng bộ, ngành, địa phương đặt ra ngay từ đầu năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng kỳ vọng, với những điểm nổi bật trong Luật Đầu tư công (Luật số 39) cùng nhiều quy định mới sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn toàn bộ quá trình đầu tư công nhưng cũng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, trao sự chủ động trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.

Do đó, với những thay đổi trong Luật Đầu tư công sẽ làm cho người lập kế hoạch đầu tư đúng hơn, sát hơn. Trước đây, khi làm kế hoạch, bộ ngành, địa phương nào cũng muốn làm sao càng nhiều tiền càng tốt, nhưng bây giờ, kế hoạch nhiều chưa chắc đã tốt.

“Nhiều tiền mà không giải ngân được, không những về mặt hành chính bị phê bình mà về kinh tế còn bị trừ tiền trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đương nhiên làm kế hoạch bao giờ cũng có chênh lệch khi triển khai, nhưng đừng để khoảng cách quá lớn...”, Thứ trưởng Phương lưu ý.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cập nhật thông báo về tiến độ giải ngân để các bộ ngành, địa phương có động thái thúc đẩy tiến độ thực hiện, nếu không, theo Luật sẽ tự trừ số tiền chưa giải ngân hết trong năm của bộ, ngành và địa phương và đương nhiên như thế các bộ, ngành, địa phương sẽ chịu thiệt.

Theo TTXVN/Báo Tin tức