Châu Phi chồng chất khó khăn trước làn sóng COVID-19 thứ hai

Châu Phi hiện đang trải qua làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất. Tính nghiêm trọng của làn sóng dịch thứ hai dự báo sẽ tạo thêm nhiều thách thức cho khu vực vốn đã đầy khó khăn này.

Làn sóng dịch thứ 2 với mức độ nghiêm trọng

Phần lớn 54 quốc gia châu Phi hiện đều đang ở giai đoạn làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại châu lục liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 14-1, toàn Lục địa Đen ghi nhận 3,1 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm 3,5% số ca nhiễm toàn cầu, và 75.000 ca tử vong, tức 2,4% số ca tử vong toàn cầu. Trong đó Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.259.748 người mắc COVID-19 và 34.334 ca tử vong. Mỗi ngày, châu lục này ghi nhận khoảng 30.000 ca nhiễm mới, so với con số 18.000 ca/ngày trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi đầu năm 2020.

Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại châu lục liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, ngày 14-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước châu Phi cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đề cập tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12/2020, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết theo kết quả từ các phân tích gần đây thì đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh và do đó có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền Nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia.

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, hiện tổ chức này đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) ngày 14-1 cũng kêu gọi các chính phủ ở châu lục này cần có các bước đi khẩn trương để sẵn sàng phân phối vaccine ngừa bệnh COVID-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 300 triệu liều cho châu lục.

Gánh nặng cho hệ thống y tế

Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi vẫn đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, các chuyên gia lo ngại diễn biến nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai sẽ tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn rất mong manh và thiếu đầu tư của châu Phi.

Thống kê của WHO tại 46/54 quốc gia châu Phi cho thấy, châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng giường bệnh, máy thở nhân tạo… để đối phó với đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong các bộ phận chăm sóc đặc biệt của bệnh viện không có tới 5.000 giường bệnh. Điều này có nghĩa là chỉ có khoảng 5 giường bệnh trên 1 triệu người, so với khoảng 4.000 giường bệnh trên 1 triệu người ở các nước châu Âu. Trong khi đó, các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng là cần thiết phải được chuyển đến các bộ phận chăm sóc đặc biệt, nơi được trang bị các máy thở nhân tạo để hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, số liệu của WHO tại 41 quốc gia châu Phi cho thấy các nước này chỉ có khoảng 2.000 máy thở nhân tạo sẵn sàng phục vụ trong hệ thống y tế cộng đồng. WHO nhận định rằng, việc thiếu hụt các trang thiết bị cần thiết trong các cơ sở điều trị COVID-19 sẽ cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tại châu lục này.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt từ các thành phố đã lan rộng ra vùng nông thôn - nơi có sự hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Do vậy, các chuyên gia WHO lo ngại điều này sẽ gây ra những thách thức lớn và hậu quả tồi tệ hơn đối với hệ thống y tế của các nước châu Phi thời gian tới.

Tác động tiêu cực tới kinh tế

Không chỉ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế, dịch COVID-19 cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế châu Phi. Là châu lục nghèo nhất trên thế giới, nay châu Phi là một trong những khu vực phải chịu tác động mạnh nhất của suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo IMF, do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế khu vực này được dự báo sẽ suy giảm 3% trong năm 2020, ghi dấu một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua. IMF nhận định từ nay đến năm 2023, các nước châu Phi sẽ cần 1.200 tỷ USD để khắc phục những thiệt hại kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Trước thời điểm châu Phi bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế châu Phi sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng sẽ đạt 2,1% sau khi các quốc gia trong khu vực tiến hành nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trước đó. Tuy nhiên, trước việc châu Phi phải hứng chịu làn sóng dịch thứ hai ở mức độ nghiêm trọng, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ chỉ đạt khoảng 1,2% năm 2021. Với kịch bản xấu xảy ra, chỉ số GDP trên đầu người sẽ quay lại mức của thời điểm năm 2007, tương ứng theo mức giảm khoảng 5,1%.

Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính này kỳ vọng việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) từ ngày 1-1-2021 sẽ đóng vai trò chủ chốt để châu Phi phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và tăng khả năng chống chọi của lục địa trước các cú sốc, bằng cách thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ nội khối.

Trong khi đó, nhận định mới nhất được các chuyên gia, nhà phân tích và nhà hoạch định chính sách toàn cầu đưa ra cho thấy, châu Phi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng tới mức ngay cả kế hoạch giãn nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đưa ra vẫn chưa đủ để giúp châu lục này đương đầu với khó khăn giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, cũng như duy trì khả năng thu hút các khoản đầu tư rất cần thiết trong tương lai.

Giám đốc phụ trách nợ thị trường mới nổi của ngân hàng HSBC Bryan Carter nhận định châu Phi chắc chắn sẽ sa lầy vào một cuộc khủng hoảng nợ nếu đại dịch COVID-19 chưa được khống chế. Theo chuyên gia này, năm 2021 rất đáng lo ngại và có thể trong năm này, nhiều quốc gia sẽ phải tiếp tục tung các khoản cứu trợ do hoạt động kinh tế vẫn trì trệ hoặc thậm chí sa sút.

Trong vấn đề việc làm, Liên minh châu Phi (AU) cảnh báo, khoảng 20 triệu việc làm tại châu lục gồm 1,3 tỷ dân này sẽ bị đe dọa nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nguy cơ thảm họa nhân đạo trầm trọng

Nghiêm trọng hơn, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đã cảnh báo về nguy cơ thảm họa nhân đạo tại khu vực châu Phi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo UNHCR, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch sẽ gây bất tiện và ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, nhất là đối với người nghèo tại châu Phi vốn không có tiền tiết kiệm và lương thực dự trữ, phụ thuộc phần nhiều vào lao động công nhật. Lệnh phong tỏa cũng có nguy cơ gây ra tình trạng nghèo đói trong dài hạn. Do nguồn tài chính của khu vực tư nhân đang bị hạn chế, IMF cho biết số tiền tài trợ bị thiếu hụt trong năm 2020 là khoảng 44 tỷ USD và 43 triệu người tại châu Phi có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực, khiến những nỗ lực giảm bớt đói nghèo trong suốt 5 năm qua bị xoá sổ. Những tác động đối với trẻ em là rất đáng quan ngại.

Đặc biệt, tại khu vực Tây và Trung Phi vốn đang chứng kiến những dòng người tị nạn khổng lồ do xung đột vũ trang, nay lại phải đối mặt với COVID-19, UNHCR đã cảnh báo nguy cơ về việc hàng triệu người ở 21 quốc gia tại khu vực này đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo là hệ quả trực tiếp của xung đột vũ trang và đại dịch COVID-19.

Hiện tại, khu vực Tây và Trung Phi phải chứng kiến làn sóng tị nạn lớn. Khoảng 9 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột và biến đổi khí hậu. UNHCR nhận định sự bùng phát làn sóng dịch thứ hai với mức độ nghiêm trọng tại châu Phi sẽ làm trầm trọng thêm thảm hoạ nhân đạo tại khu vực này.

Theo TTXVN