Khẩn trương khắc phục tuyến đê Đông Hải - Phú Thọ bị sạt lở

Thời gian qua, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, mưa bão ngày càng xuất hiện cường độ mạnh, triều cường dâng cao đã làm sạt lở, hư hỏng nhiều vị trí trên tuyến đê Đông Hải - Phú Thọ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Với thực trạng trên, người dân mong muốn cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương gia cố để đảm bảo an toàn cho công trình, khu vực dân cư lân cận, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão, ổn định đời sống của người dân.

Đồng chí Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tuyến đê Đông Hải - Phú Thọ nằm ở cửa ra sông Cái Phan Rang nên có hình thái đường bờ và chế độ dòng chảy hết sức phức tạp. Qua thống kê, các công trình đoạn đê phường Đông Hải thuộc tuyến đê Tp. Phan Rang - Tháp Chàm với chiều dài 2.123,3 m và đê bảo vệ bờ biển Phú Thọ với chiều dài 1.005 m được đầu tư xây dựng và hoàn thành năm 2012. Đây là công trình quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ các khu dân cư ven biển, hạn chế xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền nhằm bảo vệ tài sản, ổn định đời sống của người dân trong vùng, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, các cơn bão liên tiếp xảy ra, gây sóng lớn ven bờ cao từ 2-6 m đã làm các tuyến đê Đông Hải - Phú Thọ sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt khoảng thời gian từ tháng 10 đến 12-2020, do ảnh hưởng các đợt mưa, bão, triều cường đã làm nhiều vị trí trên tuyến đê Đông Hải - Phú Thọ tiếp tục sạt lở, gây mất an toàn cho công trình.

Đoạn đê tại khu phố 9, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) bị sụp lún, hư hỏng nặng. Ảnh: Văn Nỷ

Qua kiểm kê, có 6 vị trị sụp lún, hư hỏng nặng, cụ thể: Tuyến đê bảo vệ bờ biển Phú Thọ: Tại K0+198,5 đến K0+248,5, mái đê có hiện tượng bị lún, dễ bị sóng biển lôi cát dưới mái đê. Đoạn từ K0+700 đến K0+800, sóng biển đã làm sập 4 khoang đê với diện tích khoảng 80 m2. Đoạn từ K0+943 đến K1+005, sóng biển đã làm sập 4 khoang đê tiếp giáp với tuyến kè D1, tại các khu vực liền kề sóng biển cuốn trôi toàn bộ cát gây rỗng hàm ếch dưới mái đê gây mất an toàn cho tuyến đê Phú Thọ và kè D1. Đối với đoạn đê phường Đông Hải, đoạn từ K0+200 đến K0+250 sóng biển gây sạt lở 2 khoang mái đê với diện tích khoảng 30 m2. Ngoài ra sóng biển làm sập đường quản lý dài khoảng 23 m. Tại các tấm bê tông mặt đường liền kề, sóng biển lôi cát làm rỗng hàm ếch dưới tuyến đường quản lý, gây mất an toàn cho tuyến đê, người và phương tiện lưu thông. Đoạn từ K0+363 đến K0+415, sóng biển gây sạt lở 7 khoang mái đê, đánh sập khoảng 20 m tường chắn sóng. Từ K1+970 đến K2+123, sóng biển đã làm sụp lún 10 khoang mái đê, 150 m2 bê tông mặt đường quản lý và 10m tường chắn sóng. Ngoài ra, sóng biển còn gây sạt lở thêm tuyến đường đi bộ ven biển tiếp giáp với tuyến đê.

Ông Trần Văn Thành, ở khu phố 9, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ, cách đây hơn 15 ngày, do triều cường, sóng to đã đập mạnh vào công trình bờ đê chắn sóng, làm sụp lún, gây hư hỏng nặng, làm người dân khá lo lắng, nguy cơ ngập mặn, sụp lún, làm nứt nhà dân là khá cao. Mong rằng cơ quan chức năng sớm khắc phục để giúp cho người dân an tâm làm ăn, sinh sống, thuận tiện đi lại.

Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy lợi đã khẩn trương đề xuất danh mục dự án khẩn cấp khắc phục do ảnh hưởng thiên tai năm 2020 và phương án đầu tư, gia cố, khắc phục khẩn cấp, với tổng kinh phí dự toán 26,1 tỷ đồng. Theo đó, trước hết tập trung củng cố, nâng cấp các vị trí bị sạt lở tuyến đê bảo vệ bờ biển Phú Thọ và đoạn đê phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) với tổng chiều dài 450 m. Thi công đào lớp mái bê tông đá hộc tu sửa tạm thời, tháo dỡ các khối xếp và hệ khung dầm đã lún sụt, đệm cát tạo lại mái, làm lớp đá dăm, lắp đặt lại mái bằng cấu kiện bê tông. Phần chân mái đê phía biển được bảo vệ bằng các kết cấu Tetrapods xếp 2 lớp, nhằm giảm tác động của sóng biển, đảm bảo ổn định cho mái kè. Ngoài ra, tại đoạn đê phường Đông Hải, thi công phá dỡ bê tông mặt đường quản lý tại các vị trí bị rỗng hàm ếch; đắp bù các vị trí bị sạt lở để đảm bảo giao thông đi lại trên mặt đê; đổ bê tông tường chắn sóng tại các vị trí bị sập để đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư lân cận…