Giáo dục đạo đức học sinh trong trường học

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh ở nhiều trường hiện nay không còn chỉ giới hạn trong sách vở và những bài giảng của thầy cô trên lớp.

Học đạo đức từ thực tế

Lòng nhân ái, biết giúp đỡ mọi người với tinh thần “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” là bài học đạo đức mà bất kỳ một học sinh nào cũng được học khi đến trường. Hoạt động nhân ái cũng là một trong những mục tiêu hướng tới trong việc xây dựng phong trào Đội của nhiều trường học ở tỉnh ta hiện nay. “Trường em không phải là  trường giàu về cơ sở vật chất, nhưng chúng em tự hào vì liên đội của chúng em giàu lòng nhân ái. Được tham gia vào những hoạt động từ thiện của liên đội, được trực tiếp nghe kể về hoàn cảnh của các bạn khó khăn, đến thăm gia đình các bạn… giúp em biết thêm quý trọng từng việc làm của mình để yêu thương người khác”. – Đó là chia sẻ của em Mỹ Duyên, học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên, xã An Hải, huyện Ninh Hải. Duyên cũng như nhiều em đội viên khác ở đây, tỏ ra rất tự hào về những hoạt động nhân ái của liên đội như: Hũ gạo tình thương, nuôi heo đất tiết kiệm, áo tặng bạn nghèo, giúp đỡ các gia đình khó khăn… Không chỉ dừng lại ở việc quyên góp tiền, gạo, nuôi heo đất… học sinh của trường THCS Ngô Sỹ Liên còn đến tận nhà thăm hỏi, động viên các bạn học sinh khó khăn, những gia đình neo đơn, gia đình thương binh liệt sỹ…. Những hình ảnh “mắt thấy tai nghe” chính là bài học hiệu quả nhất.

Học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Ninh Hải) với "Hũ gạo tình thương giúp bạn nghèo đến lớp"

Đến tận nơi chứng kiến, tận tai lắng nghe… để biết thêm yêu thương, biết chia sẻ với bạn bè… đó cũng là những lời mà nhóm học sinh Trường THCS Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chia sẻ trong việc vận động các bạn bỏ học tới lớp. Em Nguyễn Như Nhật Vy, học sinh lớp 8/4 đã kể rằng, Lúc đầu khi hưởng ứng hoạt động vận động các bạn bỏ học tới lớp, Vy rất ghét các bạn, Vy nghĩ rằng, nhà mình cũng khó khăn, nhưng mình học được, tại sao các bạn lại lười nhác, không chịu tới lớp. Nhưng đến nhà các bạn rồi, trực tiếp thấy được hoàn cảnh của các bạn, nghe các bạn chia sẻ… Vy nhận thấy mỗi bạn có một nỗi niềm riêng, có bạn còn khó khăn hơn mình. Đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn để có những chia sẻ, những lời khuyên thật lòng, Nhật Vy đã cùng thầy cô, vận động được 2 bạn ở thôn Lương Sơn và Bảo Vinh trở lại lớp.

Hiệu quả lan tỏa từ những phong trào

Bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên nước, chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ… luôn là những bài học quan trọng mà các em học sinh được học trong những giờ trên lớp. Nhưng, những bài học đó sẽ mãi chỉ là những câu khẩu hiệu học thuộc lòng nếu như không tạo cơ hội cho các em áp dụng những điều được học vào cuộc sống của mình. Không đơn giản chỉ là thắt chặt tính kỷ luật trong nhà trường, chấp hành những nội quy, nề nếp… học sinh Trường THCS An Dương Vương còn có cơ hội được thể hiện quan điểm, khả năng sáng tạo của mình về việc chấp hành luật  giao thông thông qua việc tham gia vào nhóm truyền thông sáng tạo về an toàn giao thông. Với hình thức học sinh truyền thông cho học sinh, học sinh tự quản lý học sinh, mô hình này đã phát huy được hiệu quả tích cực. Phan Thị Kim Soa, một thành viên trong nhóm truyền thông chia sẻ: “Chúng em không chỉ muốn thực hiện tốt, chấp hành đúng nội quy, quy định mà còn muốn sáng tạo, đề xuất ý kiến đề bạn bè chúng em, tất cả thiếu nhi chúng em đều chấp hành tốt”. …

Học sinh Trường THCS An Dương Vương (Ninh Hải) với mô hình "Thành phố tương lai"

Đến Trường Tiểu học Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, được xem nhóm tuyên truyền măng non của liên đội thể hiện tiểu phẩm truyền thông về môi trường: “Rác thải lên tiếng”. Một tiểu phẩm được dàn dựng công phu, với những lời thoại vừa hồn nhiên, vừa là những lời kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường một cách rắn rỏi, kiên quyết. Và cũng trên sân Trường TH Hiệp Hòa, tôi bật cười khi thấy một học sinh lớp 1 vừa nhặt rác, vừa lẩm nhẩm đọc lại những lời thoại trong tiểu phẩm vừa được xem với một tâm trạng rất háo hức: “Vì môi trường trong sạch, không đổ rác, vứt rác bừa bãi..” Nếu như chỉ dừng lại ở những bài học trên lớp, những câu nhắc nhở trong bài học… thì sức lan tỏa đến các em có mạnh mẽ đến như thế không!

Học sinh Trường TH Hiệp Hòa (Ninh Phước) truyền thông về môi trường qua tiểu phẩm

Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức

Ý nghĩa của những phong trào, hoạt động ngoại khóa trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh là rất lớn. Bên cạnh đó, hình ảnh của các thầy, cô giáo cũng tác động lớn đến việc hình thành đạo đức, nhân cách cho học sinh. Thầy, cô không chỉ truyền dạy kiến thức, học sinh cũng không chỉ học ở thầy, cô qua những bài giảng mà còn học theo cả cử chỉ, cách cư xử…. Rất nhiều học sinh lớn lên, lựa chọn nghề nghiệp… do chịu ảnh hưởng của thầy, cô. Ở một số trường, tuy có quy định rõ ràng là không được sử dụng điện thoại trong giờ học, không được hút thuốc lá… nhưng một số thầy, cô giáo vẫn cho mình quyền ưu tiên được dừng bài giảng để nghe điện thoại, vừa hút thuốc lá, vừa giảng bài. Những hình ảnh này ít nhiều cũng tác động  đến việc giáo dục đạo đức, chấp hành nội quy, nề nếp trường học của học sinh. Ngược lại, những hình ảnh đẹp của các thầy, cô giáo sẽ có những tác động tích cực đến suy nghĩ, đạo đức của các em. Em Triệu Mỹ Ngọc, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tâm sự rằng: “Em bắt đầu ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo từ khi được học với cô giáo dạy Sử. Không chỉ khâm phục kiến thức và phương thức truyền đạt của cô, em còn học được ở cô cách cư xử nhẹ nhàng, lòng yêu thương, quan tâm đến học sinh… hình ảnh của cô thôi thúc em trở thành một người tốt như cô”. Thầy cô hãy là tấm gương cho học sinh noi theo không chỉ trên bục giảng mà cả trong cuộc sống.

Như vậy, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong trường học, không chỉ dựa vào những bài học trên lớp mà còn rất cần những hoạt động thực tế. Không nên chỉ dừng lại ở những quy định, nội quy nghiêm ngặt… Hãy tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc thực tế, được thể hiện mình và tự rèn luyện đạo đức.