Quan tâm giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ

Theo chỉ tiêu của Chính phủ giao cho địa phương, mỗi năm có trên 1.000 thanh niên lên đường nhập ngũ; trong số đó chỉ một số lượng rất ít được tuyển dụng phục vụ lâu dài trong quân đội, số còn lại, cứ đến tháng 1 hàng năm lại xuất ngũ về lại địa phương.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương rất quan tâm, chăm lo đến công tác tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN), song cũng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ tạo được công ăn việc làm ổn định ở địa phương. Số còn lại, phần lớn phải tự bươn chải, đi các nơi tìm kiếm việc làm sinh sống, địa phương rất lãng phí một nguồn lao động có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức, có tính tổ chức kỷ luật và có trình độ chuyên môn nhất định.

Theo ông Trương Ngọc Thảo, Trưởng phòng Tư vấn Giới thiệu việc làm, Trung Tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương rất quan tâm tạo điều kiện về việc làm đối với BĐXN, được ưu tiên một số tiêu chí trong tuyển dụng, được hỗ trợ 100% vốn vay xuất khẩu lao động. Hàng năm, Trung tâm đều cử cán bộ về các địa phương để tư vấn, giới thiệu việc làm cho BĐXN. Tuy nhiên, số BĐXN về địa phương đến Trung tâm để thực hiện các chính sách về việc làm là không nhiều. Còn ông Nguyễn Năng Hồng, Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cho biết: BĐXN về địa phương đến với Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận hầu hết là học lái xe. Với thẻ học nghề trị giá bằng 12 tháng lương cơ sở do quân đội cấp, học viên có thể học đến bằng lái xe ben, xe tải. Năm 2020 có 156 học viên tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe là BĐXN. Ông Hồng cho biết thêm: Theo dõi học viên là BĐXN học lái xe tại Trung tâm những năm qua, phần lớn đều theo nghề, lái xe cho các doanh nghiệp (DN), lái taxi, lương khoảng 5 đến 7 triệu đồng; cũng có người có điều kiện mua xe riêng chuyên chở hàng hóa…

Làm gì để tạo cơ hội việc làm cho BĐXN, góp phần xây dựng nền tảng chính sách hậu phương quân đội là trăn trở của các cấp, các ngành. Cần phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Các đơn vị quân đội, cơ quan quân sự các cấp ngoài việc huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, rèn luyện sức khỏe cần chú trọng định hướng nghề nghiệp cho bộ đội; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức liên quan, các trung tâm hướng nghiệp, các DN trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, của địa phương, của cơ quan, tổ chức đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Thường xuyên thu thập, cập nhật, thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về thị trường lao động, việc làm; đồng thời kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội ở cơ quan, tổ chức, DN có nhu cầu trên địa bàn. Các ngành chức năng phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp để tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động nói chung, ưu tiên BĐXN nói riêng. Cụ thể như: Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề; đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh

tế - xã hội của ở địa phương; có cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề, sử dụng người lao động; cung cấp đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc học nghề, tự tạo việc làm. Nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép chính sách việc làm công trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện về giống cây, con để BĐXN có thể phát triển các mô hình như trồng nấm, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm,... đẩy mạnh Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản…

BĐXN là lực lượng lao động trẻ, nhiều người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, đã được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, có tinh thần đồng đội, ý thức kỷ luật và tính tổ chức; có thể hình, thể lực, tác phong nhanh nhẹn, gọn gàng, ngăn nắp, có khả năng ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống... Đó là những tố chất mà bất kỳ cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động nào cũng cần đến. Cuối tháng 1-2021 tới đây, lại có gần 1.000 bộ đội trên địa bàn Quân khu 5 xuất ngũ trở về địa phương. Vấn đề đặt ra, đó là các ngành, địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho BĐXN để không lãng phí một lực lượng lao động tiềm năng, một lực lượng dự bị động viên hùng hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương.