Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

LTS: Ngày 24-12-2020, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Báo Ninh Thuận xin giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 118 /2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia và Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được tiến hành vào ngày Chủ nhật (23/5/2021). Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nội dung Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị và Chỉ thị này.

2. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp uỷ, tổ chức đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

3. Giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đảm bảo nâng cao chất lượng và đủ số lượng đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân các cấp để công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp nâng cao chất lượng, hiệu quả.

4. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải bảo đảm theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

5. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử tại các đơn vị bầu cử; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tự ứng cử và vận động bầu cử phải bảo đảm tuân theo quy trình, đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

6. Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy Nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu Nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử để bầu những người thật sự tiêu biểu, xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

7. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dự báo tình hình, để kịp thời định hướng công tác tư tưởng; xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo đúng Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ngăn chặn kịp thời mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

8. Các huyện ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử trên địa bàn quản lý; thực hiện tốt công tác nhân sự, giới thiệu người ứng cử ở địa phương theo đúng quy định của Luật Bầu cử; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.

9. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Ủy ban bầu cử tỉnh; các huyện ủy, thành ủy có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này; chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh thành công tốt đẹp.

10. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh; Kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị; chủ trì theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này; thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.