Hậu quả của trồng dưa trái vụ

Dưa hấu là loại cây ăn trái ngắn ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc và được xem là cây trồng chủ lực ở những vùng đất gò, đồi, thiếu nước tưới ở tỉnh ta.

(NTO) Khi được mùa, được giá, dưa hấu mang lại niềm vui cho người trồng bởi lợi nhuận rất lớn. Thấy được lợi đó, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng về lịch thời vụ mà đua nhau trồng dưa trái vụ.

Ngoằn ngoèo trên con đường nội đồng đến với khu trồng dưa thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, trước mắt chúng tôi, là cả cánh đồng dưa hấu bao la đã trở nên vàng úa, chỉ lác đác một vài đám là nhìn thấy được màu xanh. Với vẻ mặt buồn ngao ngán trước cảnh ruộng dưa thất thu, anh Phan Ngọc Hùng ở thôn Tân Lập 2 nghẹn ngào nói: “Vụ dưa này tôi vay trên 30 triệu để trồng 5 sào. Lúc đầu cây phát triển tốt và cho trái hẳn hoi, cứ tưởng là ăn chắc, thế nhưng khi trái đang lớn thì cây đã quăn lá tàn lụi và chết hàng loạt”.

Hầu hết dưa trái nhỏ, vỏ sần ruột chỉ bán được với giá 2.000 đồng.

Nỗi buồn của anh Hùng cũng là tâm trạng của nhiều người trồng dưa trái vụ năm nay ở huyện Ninh Sơn. Bởi đầu tư vốn cho trồng dưa là khá cao, trong khi đó hiệu quả mang lại từ việc trồng trái vụ lại thấp, có hộ bị mất trắng. Trung bình để trồng 1 ha dưa phải đầu tư trên 80 triệu đồng, bao gồm cả tiền mua giống, cày đất, tiền bạt để phủ gốc dưa, phân bón và thuốc trừ sâu. Đó là chưa kể tiền dầu chạy nước và công chăm sóc. Anh Hùng cho biết thêm: “Kể từ khi dưa bắt đầu cho trái, trên cây xuất hiện bệnh rầy ri (một loại bọ trĩ) tấn công. Cứ 2 ngày chúng tôi phải phun xịt thuốc một lần và phải chi rất tốn kém so với vụ trước, nhưng với tình trạng này thì khả năng cho thu hoạch không bằng một nửa so với vụ chính (vụ đông-xuân thu hoạch trước Tết Nguyên đán).

Chẳng khá gì hơn so với những hộ khác, một số hộ trồng sớm, tuy dưa ra trái nhưng năng suất cũng chẳng là bao. Anh Đoàn Văn Hà đầu tư trồng 2,1 ha dưa với tổng chi phí trên 180 triệu đồng, nhưng hầu hết diện tích dưa cho trái nhỏ, vỏ sần, chất lượng thấp. Lúc đầu anh cũng tính bỏ để trồng cây khác nhưng tiếc vốn đầu tư nên cố công chăm sóc hy vọng vớt vát, đến khi bán cả ruộng dưa anh vẫn còn lỗ trên 90 triệu đồng.

Theo đ/c Lê Thị Chung, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, tại xã có trên 40 ha dưa trái vụ. Do trước Tết dưa được mùa được giá cho lợi nhuận cao nên vụ này người dân tiếp tục đổ xô trồng dưa. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên dưa không ra trái được, một số diện tích cho trái nhưng chất lượng kém, thương lái không mua.”.

Cùng chung cảnh ngộ như những hộ trồng dưa ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, nhiều hộ dân ở các xã Phước Hữu, Phước Sơn, Phước Vinh (Ninh Phước), Phước Nam (Thuận Nam) Phước Tiến, Phước Thắng (Bác Ái) cũng đang “ dở khóc, dở cười” vì dưa.

Đ/c Nguyễn Tin, Trưởng Phòng Nông nghiệp- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Thất thu của người trồng dưa là đúng, bởi trồng dưa hấu trái vụ không bao giờ mang lại hiệu quả, chưa kể là mất trắng. Năm nay, thời tiết xấu, có thời điểm sương muối nhiều, cộng với ban ngày nắng nóng nên làm cho dưa hấu xuống lá nhanh chóng chỉ trong một vài ngày, trái dưa không nở và bị teo nhỏ lại. Sở đã khuyến cáo người dân không nên trồng dưa hấu mà thay bằng các loại cây trồng khác nhưng người dân vẫn tiếp tục trồng dưa trái vụ dẫn đến mất mùa, thất thu”.

Từ thực tế sản xuất dưa hấu trái vụ ở các địa phương, cho thấy việc tuân thủ lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành chức năng trong sản xuất là rất cần thiết, có như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh những rủi ro đáng tiếc cho người nông dân.