Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025

Ngày 23-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan.

Năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, người dân.

Các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Định hướng công tác nhiệm kỳ 2021-2025, ngành Tư pháp chủ động tham mưu thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về các lĩnh vực công tác của bộ, ngành. Tham gia xây dựng và triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; phát huy vai trò của bộ, ngành Tư pháp trong việc nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công tác tư pháp, thi hành án dân sự; đồng thời, triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ngành Tư pháp tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về công tác tư pháp, pháp luật. Nâng cao chất lượng thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thế chế pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, chú trọng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện kế hoạch triển khai Kết luận số 80-KL/TW và Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự; triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Ban Bí thư về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe một số báo cáo chuyên đề; trao đổi, thảo luận làm rõ thực trạng công tác tư pháp tại địa phương, đơn vị; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy công tác tư pháp ngày càng phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và kết quả ngành Tư pháp đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, nhất là việc tham mưu Chính phủ giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, chính sách pháp luật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với với phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tư pháp, pháp luật; thường xuyên rà soát, tránh chồng chéo các văn bản quy phạm pháp luật; không để tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống pháp luật; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp; hoàn thiện thể chế thi hành án dân sự, án hành chính. Các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tận tụy, nêu gương, giúp Chính phủ, địa phương xử lý tốt các vấn đề chính sách pháp luật, tranh chấp đầu tư quốc tế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nâng cao chất lượng hoạt động toàn ngành…