Mối quan ngại về biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Anh

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện ở Anh đang có tốc độ lây lan nhanh hơn và đã xuất hiện ở một số nước khác, trong khi nhiều nước đã đóng cửa đi lại với London. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn, các nhà khoa học nhận định, biến thể mới khả năng cao sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine.

Biến thể mới xuất hiện tại Anh

Ngày 14-12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England. Giới chức y tế đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới chủ yếu ở vùng phía Nam England. Đến ngày 19-12 chính phủ Anh thông tin chính thức hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 đã bị nhiễm một biến thể mới của SARS-CoV-2. Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà khoa học đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, nhưng không dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới.

Do sự gia tăng các ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Johnson đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại vùng England đồng thời hủy các kế hoạch nới lỏng hạn chế vào dịp Giáng sinh. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 20-12 thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ chủ trì một cuộc họp ứng phó khẩn cấp trong ngày 21-12 để thảo luận về việc đi lại quốc tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề hàng hóa đến và đi từ Anh.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết chủng virus đột biến này cũng xuất hiện ở Nam Phi, Hà Lan, Đan Mạch, Australia và Italy. Ngày 20-12, Bộ Y tế Italy thông báo đã ghi nhận một ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh mẽ tại Anh. Bệnh nhân và người cộng sự đã bay từ Anh tới sân bay Fiumicino ở thủ đô Rome vài ngày trước. Hiện những người này đang được cách ly để theo dõi.

Trước tình hình biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh, WHO cho biết, đang liên lạc chặt chẽ với giới chức Anh. Trên mạng Twitter, WHO nêu rõ giới chức Anh sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và phân tích hiện nay với tổ chức này. WHO sẽ cập nhật tới các nước thành viên và người dân về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo kế hoạch, đại diện các nước EU cũng sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày 21-12 để thảo luận đưa ra cách phản ứng chung với mối đe dọa mới.

Nhiều nước hạn chế đi lại với Anh

Lo ngại biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có nguy cơ lây lan nhanh chóng, nhiều nước đã ban bố hạn chế đi lại với Anh.

Ngày 20-12, một số quốc gia thành viên EU như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Áo, Đức, Italy, Hy Lạp, Bulgaria… đã tuyên bố đóng cửa đường bay với Anh. Riêng Chính phủ Đức cấm cả các chuyến bay từ Nam Phi tới nước này. Một phát ngôn viên Bộ Y tế liên bang Đức cho biết ngoài Anh, Chính phủ Đức đang rất lưu tâm tới các thông tin về biến thể virus tại Nam Phi. Giới chức Đức cũng giữ liên hệ chặt chẽ với các đối tác EU về vấn đề này. Theo nhà vi trùng học thuộc Bệnh viện Charité Berlin, ông Christian Drosten, hiện tại chưa phát hiện biến thể virus SARS-CoV-2 ở Đức, song không loại trừ khả năng biến thể virus có thể bùng phát và điều quan trọng lúc này là cần ngăn chặn biến thể mới xâm nhập vào Đức, nhanh chóng xác định rõ về biến thể này để có hành động kịp thời.

Tại Mỹ, các quan chức y tế hàng đầu nước này cho biết đang nghiên cứu kỹ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC News khi được hỏi về việc liệu Mỹ có thể tạm dừng các chuyến bay từ Anh như một số nước châu Âu đang xem xét hay không, Đô đốc Brett Giroir - Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng Mỹ chưa cần phải áp dụng biện pháp này.

Canada, El Salvador, Chile cũng thông báo dừng nhập cảnh đối với những người tới từ Anh trong vòng 72 giờ, bắt đầu từ 0 giờ ngày 21-12. Ngày 20-12 (giờ địa phương), Bộ Nội vụ Argentina ra thông báo cho biết sẽ dừng các chuyến bay đến và đi từ Anh. Chuyến bay cuối cùng từ Anh trước khi quy định mới có hiệu lực dự kiến sẽ tới Buenos Aires trong sáng 21-12. Tất cả hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay này đều phải cách ly trong 7 ngày.

Tại Trung Đông, Iran đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Anh trong vòng 2 tuần. Hàng không dân dụng Kuwait cũng đã bổ sung Anh vào danh sách các nước có nguy cơ cao, đồng nghĩa với việc toàn bộ các chuyến bay từ Anh đến nước này sẽ bị cấm. Saudi Arabia đã tạm ngừng các chuyến bay quốc tế và đình chỉ việc nhập cảnh qua đường bộ và các cảng biển trong ít nhất một tuần. Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết những hành khách đến Saudi Arabia từ châu Âu, hay bất kỳ quốc gia nào phát hiện chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ ngày 8-12 sẽ phải tự cách ly trong 2 tuần và tiến hành xét nghiệm.

Israel thì thông báo sẽ ngừng tất cả các chuyến bay đến từ Anh sau khi có thông tin về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện và đang lây lan nhanh chóng. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước này tạm thời đình chỉ các chuyến bay từ Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Nam Phi nhằm phòng tránh nguy cơ lây lan.

Liệu vaccine ngừa COVID-19 có tác dụng với biến thể mới?

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn, các nhà khoa học nhận định, biến thể mới khả năng cao sẽ không ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine, vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới. Cố vấn trưởng về khoa học của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance cho biết các loại vaccine ngừa COVID-19 dường như phù hợp trong việc tạo ra một phản ứng miễn dịch đối với biến thể mới và dễ lây nhiễm hơn của virus SARS-CoV-2 này. Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng nhấn mạnh tính hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong việc chống lại biến thể mới của virus mới phát hiện tại Anh. Theo ông Spahn, nghiên cứu của các chuyên gia châu Âu cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không ảnh hưởng gì tới hiệu quả của các loại vaccine hiện có. Theo nhận định của các nhà khoa học, việc vaccine ngừa COVID-19 có tác dụng với biến thể mới là bởi khi phát triển vaccine, các nhà nghiên cứu cũng hiểu rõ cơ chế biến đổi của virus và tính đến trong hoạt động bào chế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng dữ liệu về chủng virus mới hiện chỉ là sơ bộ. Stuart Neil, giáo sư dịch tễ học tại King's College London cho biết mối quan tâm lớn nhất của các nhà khoa học hiện nay, là những thay đổi trong protein của virus biến thể có giúp virus dễ dàng tấn công các tế bào trong phổi, cổ họng và khoang mũi hơn không. Mặc khác, protein của virus vốn là một trong những thành phần để phát triển vaccine. Vì vậy, hiện chưa rõ liệu chủng đột biến này có làm giảm tác dụng của những loại vaccine sẵn có hay không.

Biến thể mới của virus gây dịch COVID-19 đã ngoài “tầm kiểm soát", đủ để cho thấy sự nguy hiểm của nó đối với sức khỏe con người. Chủng virus mới có khả năng khiến dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn, dù có cùng tỷ lệ tử vong, cũng sẽ dẫn đến nhiều cái chết hơn nữa. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, các nước vẫn cần nâng cao cảnh giác, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đảm bảo giãn cách xã hội để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Theo TTXVN