Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2020)

Điện lực Ninh Thuận: Nhiều thành tựu đạt được trong xây dựng và phát triển

Cách đây 66 năm, ngày 21-12-1954, mặc dù bộn bề công việc sau hơn hai tháng tiếp quản Thủ đô, nhưng Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Sự kiện này đã trở thành một mốc son lịch sử và ngày 12-10-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1594/QĐ-TTg lấy ngày 21-12 hằng năm là ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam...

Thực hiện những lời căn dặn của Bác Hồ, 66 năm qua, tập thể cán bộ, công nhân viên ngành Điện lực cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã tận tâm, tận lực, gắn bó với Nhân dân, đồng hành cùng đất nước cả trong chiến tranh, cũng như trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành Điện lực Việt Nam nói chung, Điện lực Ninh Thuận nói riêng đã kịp thời tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới cả về khoa học - công nghệ và khoa học quản lý; với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh. Các thế hệ ngành Điện lực liên tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nghiên cứu, ứng dụng và đã làm chủ các tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật điện tiên tiến trong quản lý và sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lãnh đạo và nhân viên ngành Điện lực kiểm tra, theo dõi bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện. Ảnh: Văn Nỷ

Đối với Điện lực Ninh Thuận, có thể nói, trong những ngày đầu thành lập, đơn vị gặp không ít khó khăn; cơ sở vật chất thiếu thốn lạc hậu, đội ngũ cán bộ, nhân viên (CBNV) vừa thiếu lại vừa yếu. Về cơ cấu tổ chức, toàn Công ty chỉ có 4 phòng chuyên môn, 1 Chi nhánh điện Ninh Sơn và 1 Đội Quản lý đường dây, với số lượng CBNV là 125 người, bao gồm: 10 người có trình độ đại học, 10 người có trình độ cao đẳng và trung cấp, 105 người là công nhân và nhân viên kỹ thuật. Lúc bấy giờ, nguồn điện được cung cấp chủ yếu bởi Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thông qua đường dây 110kV về trạm biến áp 110kV Tháp Chàm, dung lượng 25MVA để cấp điện cho toàn tỉnh. Do vậy hệ thống điện luôn luôn thiếu nguồn do quá tải máy biến áp đầu nguồn và máy biến áp 110kV Tháp Chàm. Về lưới điện phân phối, toàn tỉnh chỉ có 207 km đường dây trung thế; 84 km đường dây hạ thế; 160 trạm biến áp phân phối, với tổng dung lượng 18,5MVA. Về cung cấp điện, toàn hệ thống lưới điện hầu như chỉ tập trung ở thị xã, trung tâm các huyện và một số hợp tác xã nông nghiệp. Toàn tỉnh chỉ có 32/54 xã có điện, đạt tỷ lệ 59,3% và 74/194 thôn có điện, đạt tỷ lệ 38,1%; ước tính chỉ có 21.552 hộ gia đình có điện, đạt tỷ lệ 28,2% so với tổng số hộ trong tỉnh.

Tuy nhiên, với sự cố gắng và phấn đấu của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân viên toàn Công ty; được sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, qua các giai đoạn phát triển, Công ty Điện lực Ninh Thuận luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh được Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao; từng bước xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh và phát triển. Trong đó thành tựu nổi bật nhất trong giai đoạn 2016-2020, đó là hoàn thành mục tiêu: “Đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương” được thể hiện qua các chỉ tiêu: Điện thương phẩm, ước thực hiện năm 2020 là 734 triệu kWh, tăng gấp 2,27 lần so với năm 2010; tổn thất điện năng, năm 2020 là 3,86%, giảm 3,23% so với năm 2010 (7,09%). Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao, số lần mất điện của khách hàng ngày càng giảm. Công tác đầu tư xây dựng lưới điện ngày càng hoàn chỉnh, đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục phục vụ các sự kiện trọng đại của tỉnh trong những năm qua.

Đồng chí Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận  kiểm tra tại trạm biến áp 110kv Ninh Thuận 1 (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Hiện nay, Công ty Điện lực Ninh Thuận đang quản lý vận hành gần 225 km đường dây 110kV; 19 trạm biến áp 110kV, dung lượng 902MVA; trên 1.350 km đường dây trung áp; 2.906 trạm biến áp, dung lượng 561,936MVA và trên 1.160 km đường dây hạ áp trên toàn tỉnh. Công tác dịch vụ khách hàng, ngày càng được nâng cao, điểm đánh giá mức độ hài lòng khách hàng đối với ngành điện ngày càng nâng lên, năm 2019, đạt 8,44 điểm, vượt trước 1 năm so với kế hoạch tổng công ty giao (năm 2020 trên 8 điểm). Đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các nhu cầu về điện cho khách hàng. Cụ thể: Thời gian giải quyết nhu cầu cấp điện cho khách hàng mua điện từ lưới điện trung áp 2,761 ngày/công trình, nhanh hơn quy định của tổng công ty (2,9 ngày làm việc/công trình); thời gian giải quyết cấp điện cho khách hàng mua điện từ lưới điện hạ áp dưới 2,395 ngày. Đặc biệt trong 2 năm 2019 và 2020, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã tham gia tích cực trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển hệ thống năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể vào việc tăng chỉ số GRDP của tỉnh và thu ngân sách của địa phương. Ngoài ra, trong năm 2017, Công ty Điện lực Ninh Thuận còn được Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận để sửa chữa cải tạo và nâng cấp hệ thống năng lượng sạch trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, phục vụ công tác sản xuất và bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng chí Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Công ty tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm, đó là “Đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và chất lượng đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế của địa phương” và đề ra các giải pháp cụ thể như: Đảm bảo cung ứng điện liên tục, đầy đủ cho nhu cầu sử dụng trên địa bàn thông qua việc triển khai phương án cung ứng điện phục vụ lễ, tết, các kịch bản cung ứng điện mùa khô, kế hoạch sản lượng, dự báo công suất (Pmax; Pmin); xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo trì các công trình lưới điện. Áp dụng các công nghệ tiên tiến vào quá trình quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện theo hướng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đơn vị luôn nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hiệu quả kinh doanh; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính đảm bảo lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Ngoài ra, đơn vị tập trung chú trọng ứng dụng công nghệ mới và công nghệ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động…

Từ những kết quả đạt được như đã nêu trên, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2002); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2010); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014) và nhiều cờ thi đua, bằng khen của các bộ, ngành, UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Nam…