Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ với trọng trách “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”

Cuộc họp đại cử tri Mỹ đã xác nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Với chiến thắng này ông Biden đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, đồng thời chất dứt các nỗ lực pháp lý gây tranh cãi của đương kim Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn cản chiến thắng của ông.

Ông J.Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ

Ngày 14-12, ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden đã giành thêm được 55 phiếu đại cử tri của bang California, một bang đông dân nhất nước Mỹ, qua đó vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Với chiến thắng tại bang California, ông Biden giành được 302 phiếu đại cử tri. Hiện còn bang Hawaii, nơi có 4 phiếu đại cử tri chưa công bố kết quả. Trong các cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri đoàn diễn ra trước đó cùng ngày, ông Biden đã giành được tổng số 247 phiếu đại cử tri từ 22 bang, gồm Arizona, Colorado, Connecticut, Delaware, Georgia, Illinois, Maryland, Michigan, Minnesota, Massachusetts, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, Vermont, Virginia, Washington, Wisconsin và vùng thủ đô District of Columbia. Tại bang Maine với 4 phiếu đại cử tri, ông Biden nhận được 3 phiếu, trong khi trong số 5 phiếu đại cử tri của bang Nebraska, ông Biden có được 1 phiếu. Trong đó, các đại cử tri từ các bang quan trọng mà ông Biden đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua đã bỏ phiếu bầu tổng thống trong quy trình cử tri đoàn để chính thức khẳng định ông Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của Mỹ. Các bang chiến địa gồm Nevada, Georgia, Pennsylvania, Arizona, Michigan và Wisconsin đều đã ấn định chiến thắng trong cuộc bầu cử cho ông Biden trong cuộc họp ở mỗi bang.

Trong khi đó, đương kim Tổng thống Donald Trump hiện có 232 phiếu đại cử tri từ các bang Alabama, Alaska, Arkansas, Florida, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, North Carolina, North Dakota, Ohio, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, West Virginia, Wyoming. Ông Trump giành được 1 phiếu trong tổng số 4 phiếu từ bang Maine và 4 phiếu trong tổng số 5 phiếu từ bang Nebraska.

Phát biểu trước toàn nước Mỹ sau khi được đại cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận là Tổng thống Mỹ tiếp theo, ông Joe Biden tuyên bố: "Tôi sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ", đồng thời kêu gọi người Mỹ hãy "bước sang một trang mới”.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tối 14-12 (sáng 15-12 giờ Hà Nội), ông Biden khẳng định ông và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris đã giành chiến thắng cách biệt trước liên danh tranh cử của Tổng thống Trump.

Bài phát biểu cũng chỉ trích những nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Ông khẳng định: "Trong cuộc chiến vì linh hồn nước Mỹ, dân chủ đã thắng thế. Người dân đã bỏ phiếu. Niềm tin vào chính quyền vẫn giữ vững. Tính toàn vẹn của cuộc bầu cử vẫn nguyên vẹn. Và bây giờ là lúc lật sang trang mới. Để đoàn kết. Để hàn gắn".

Ông Biden cũng đề cập 17 tổng chưởng lý bang và 126 hạ nghị sĩ Cộng hòa, những người ký vào đơn kiện mà Tổng chưởng lý bang Texas cố gắng đệ lên Tòa án Tối cao nhằm chặn phiếu bầu ở 4 bang mà ông Biden đã thắng gồm Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Ông khẳng định: "Giờ là lúc thống nhất. Còn nhiều việc cần làm".

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng nói về những thách thức mà đất nước và chính quyền của ông phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới, cho biết ông "sẽ làm việc chăm chỉ để phụng sự cho những người đã không bỏ phiếu cho tôi, cũng như những người đã chọn tôi". Theo ông, trước mắt, cần khống chế đại dịch để toàn dân được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 và hỗ trợ kinh tế ngay lập tức bởi rất nhiều người Mỹ đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó là xây dựng lại nền kinh tế tốt đẹp hơn.

Trước khi kết thúc bài phát biểu, Biden gửi lời chia buồn tới những gia đình mất người thân vì dịch COVID-19, và bày tỏ cảm ơn các quan chức bầu cử đã làm việc không mệt mỏi giữa đại dịch.

Việc cuộc họp đại cử tri Mỹ xác nhận chiến thắng của ứng cử viên Biden trong cuộc bầu cử tổng thống cũng là dấu chấm hết cho những nỗ lực gây tranh cãi và chưa từng có của đương kim Tổng thống Trump nhằm ngăn cản chiến thắng của ông Biden trong Cử tri đoàn, khi đệ đơn kiện lâu dài và gây áp lực buộc các nghị sĩ ở các bang chiến địa lật ngược hàng triệu phiếu bầu hợp pháp.

Trọng trách “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”

Vượt qua đương kim Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa để chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Biden tuyên bố đã sẵn sàng để đảm đương trọng trách dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay để “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, như những gì ông cam kết khi tranh cử. Mặc dù vậy, nhiệm vụ xây dựng đất nước khi trở thành vị “tổng tư lệnh” của cường quốc số một thế giới sẽ đầy chông gai trong bối cảnh hiện nay. Tổng thống đắc cử Biden sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trên một loạt vấn đề nổi cộm như: tình trạng khẩn cấp y tế do đại dịch COVID-19, vòng xoáy khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất do tác động của đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức cao gần bằng thời kỳ “Đại suy thoái” những năm 1930, mâu thuẫn sắc tộc, chăm sóc sức khỏe y tế, cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật, sở hữu súng đạn hay an ninh quốc gia, cũng như những vấn đề về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, Trung Quốc, Trung Đông, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU)… khi mà sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng luôn là rào cản.

Khi tranh cử, ông Biden đưa ra kế hoạch “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” (“Build back better"), tập trung vào phục hồi ngay lập tức nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn ăn sâu bám rễ trong lòng nước Mỹ với một loạt đề xuất mới. Kế hoạch này chủ trương tạo ra hàng triệu việc làm và mang lại công cụ cần thiết để tầng lớp lao động Mỹ xây lại tương lai tươi sáng hơn thông qua các khoản đầu tư quan trọng cho người dân, hạ tầng cơ sở và môi trường. Ông Biden cũng sẽ tìm kiếm các phương án thắt chặt quy định để bảo vệ môi trường, người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi kế hoạch trên được đánh giá là không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của Tổng thống Trump. Thậm chí, một số điểm sẽ khó có thể đảm bảo được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ khi có sự mâu thuẫn giữa chủ trương của ông Biden trong lĩnh vực thương mại với các quy định của hệ thống các thể chế đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong vấn đề chăm sóc y tế được coi là ưu tiên hiện nay, ông Biden đã cam kết sẽ lắng nghe ý kiến của các quan chức y tế khi đưa ra biện pháp ứng phó với đại dịch, đồng thời mở cửa trở lại một cách an toàn. Thế nhưng, có khả năng chính quyền của ông cũng sẽ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa mở cửa để khôi phục nền kinh tế và đóng cửa để ngăn chặn đại dịch. Ông Biden cũng bảo vệ quan điểm duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare, với sự điều chỉnh cần thiết để có thể mở rộng tới những đối tượng có bệnh lý nền và gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt sau đại dịch. Thế nhưng, đạo luật này hiện đang là vấn đề tranh cãi bởi có nhiều bất cập. Đó còn là những vấn đề về cải cách hệ thống tư pháp và nhập cư mà ông từng bị Tổng thống Trump chỉ trích “đã không đạt được thành tựu gì nổi bật” trong suốt 8 năm làm phó tổng thống.

Trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại của nước Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều sự thay đổi khi ông Biden tuyên bố đảo ngược, xóa bỏ hoặc giảm bớt những động thái được cho là "cứng rắn và táo bạo nhất" của Tổng thống Trump. Danh sách này sẽ gồm việc đảo ngược quy định cấm công dân của các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo được nhập cư vào Mỹ, nối lại việc đóng góp ngân sách và tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran tuân thủ trở lại thỏa thuận trên… Ông cũng sẽ tìm cách hợp tác trong các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, WTO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… cũng như tái gắn kết với các đồng minh truyền thống và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ Trung Đông tới châu Á, từ Mỹ Latinh tới châu Phi, và đặc biệt là châu Âu, trong một loạt vấn đề, ông Biden có thể sẽ có những thay đổi liên quan tới cách thức Mỹ hành xử trên chính trường quốc tế.

Để biến lời nói thành hành động, thực hiện được cam kết “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”, trọng trách lớn lao hiện đang đề nặng lên vai nhà lãnh đạo thứ 46 của nước Mỹ.

Theo TTXVN