Tác hại của thuốc lá điện tử trong học đường

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hút thuốc lá trong học đường dần tăng lên và không những các bạn nam mà các bạn nữ cũng phì phèo điếu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh tuổi từ 13-17 tại Việt Nam là 2,6%, vì suy nghĩ thiên lệch các bạn trẻ cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân, nhưng cũng có bạn vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có bạn tìm đến thuốc lá như một biện pháp giải bớt căng thẳng, hút dần thành quen và dẫn đến nghiện.

Với cách nghĩ đơn giản hút cho vui, không lường được hậu quả khi hút thuốc lá thường xuyên sẽ gây khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, làm tăng nhịp tim và giảm khả năng học tập ở trường vì khói thuốc lá khi giải phóng vào trong máu, tích lũy lâu sẽ làm tổn thương hệ thần kinh, chất lượng và hiệu quả học tập sa sút, bào mòn tư duy chất xám, làm giảm khả năng sáng tạo của các em học sinh dẫn đến chán học, thích chơi và có biểu hiện lôi kéo các bạn cùng hút cho vui.

Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng lại đang ngày càng gia tăng trong giới lớp trẻ, học sinh, sinh viên và các bằng chứng chỉ rõ, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc hại giống như khói thuốc. Khói thuốc nung chứa nicotine, đây là chất gây nghiện cực mạnh và có nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, người vị thành niên và phụ nữ có thai. Dù các sản phẩm thuốc nung được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Các hóa chất có trong thuốc lá nung bao gồm: acrolein, chemicals, acetaldehyde, carbon monoxide, nicotine... Một số hóa chất này được xếp vào nhóm gây ung thư. Năm 2015 có 0,2% người tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Nguyên nhân của sự gia tăng hút thuốc lá điện tử bắt nguồn từ những sản phẩm có thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, nhiều hương vị, giá rẻ… ngành công nghiệp thuốc lá nắm bắt nhanh thị hiếu, đặc biệt là các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá giả và trong giới trẻ để tung ra thị trường các sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới nhắm đến người chưa hút thuốc, kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng song song thuốc lá điện tử. Bộ Y tế cũng đã đề xuất cấm sử dụng dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng song vẫn chưa thể làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử, nếu không ngăn chặn kịp thời thuốc lá điện tử thì trong tương lai con người sẽ phải đối mặt với hai tác hại từ cả thuốc lá điện tử lẫn thuốc lá truyền thống, thậm chí là các sản phẩm thuốc lá chứa ma túy trá hình.

Các nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tuổi đã sử dụng thử thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng thuốc lá điện tử. Trong thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị, nảy sinh nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma túy; người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người hút và người xung quanh. Ngoài ra còn có nguy cơ chấn thương nghiêm trọng do cháy nổ pin…Theo một số chuyên gia thì Việt Nam cần có khung pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bởi hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là sản phẩm trôi nổi qua xách tay, nhập lậu và bán qua mạng internet, được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội, bị che đậy bản chất thực có hại của thuốc lá nhằm đánh lừa người sử dụng.

Mặc dù các trường học đều nghiêm cấm việc học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được bán thuốc lá phía ngoài cổng trường, việc tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được triển khai, nhiều hoạt động của các trường cũng thường xuyên tổ chức như ngoại khóa, chào cờ, sinh hoạt lớp, nhóm… giúp các em hiểu được tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, việc các em học sinh, sinh viên hiện nay đa số đều sở hữu điện thoại và kết nối mạng internet thì việc tiếp cận với các chiêu trò quảng cáo, PR, khuyến mãi sản phẩm.. của ngành công nghiệp thuốc lá là không tránh khỏi, bên cạnh các kênh trực tuyến còn tờ rơi, sách, tạp chí … do vậy việc nỗ lực tuyên truyền của truyền thông, nghiêm cấm của nhà trường là chưa đủ, gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc quản lý, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hàng ngày của con, đặc biệt là mối quan hệ của con mình với bạn bè. Khuyến khích con có lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoại khóa… bên cạnh đó, bậc phụ huynh phải có trách nhiệm và biện pháp ngăn chặn, hướng cho con mình sử dụng đồng tiền có hiệu quả.