Cây Sài Hồ

Còn gọi là bắc sài hồ, sà diệp sài hồ, trúc diệp sài hồ. Tên khoa học Bupleurum sinense DC. Hoa tán Apiaceae.

Mô tả cây

Sài hồ là một cây sống lâu năm, cao 45-70cm, rễ nhỏ, hình trụ, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Thân mọc thẳng, phân cành hình chữ chi. Lá mọc cách, mép nguyên, hình mác, dài 3-6cm, rộng 6-13mm, đầu lá nhọn, có 7-9 đường gân song song. Lá phía dưới có cuống ngắn, phía trên không có cuống. Cụm hoa hình tán kép, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Trục cụm hoa chung, nhỏ và dài, có từ 4-10 cụm hoa phụ không dài bằng nhau. Hoa nhỏ màu vàng. Quả hình bầu dục, dài độ 5mm, nhưng góc quả rất rõ, 3 ống tinh dầu nằm ở mặt tiếp giáp.

Công dụng và liều dùng

Sài hồ là một vị thuốc chữa sốt dùng trong đông y.

Còn dùng chữa sốt rét, nhức đầu chóng mặt, sốt thương hàn, kinh nguyệt không đều. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác.

Ngày dùng trung bình 4-10g. Có thể tăng giảm tuỳ theo tình hình bệnh tật cụ thể.

Theo tài liệu cổ sài hồ vị đắng, tính hơi hàn, vào 4 kinh can, đởm, tâm bào và tam tiêu. Có tác dụng phát biểu, hoà lý, thoái nhiệt, thăng dương, giải uất, điều kinh. Dùng chữa bệnh thiểu dương, hàn nhiệt vãng lai (khi nóng, khi lạnh) miệng đắng, tai ù, hoa mắt, đầu váng, nôn mửa, sốt rét, kinh nguyệt không đều.

Đơn thuốc có sài hồ

Chữa sốt, hư lao phát sốt, tinh thần mệt mỏi: Tiểu sài hồ thang (bài thuốc thông dụng trong đông y do Trương Trọng Cảnh dùng đầu tiên): Sài hồ 15g, nhân sâm 4g, sinh khương 4g, bán hạ 7g, nước 600ml sắc còn 300ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa hư lao phát sốt, cảm mạo phát sốt: Sài hồ 160g, cam thảo 40g. Hai vị tán nhỏ, mỗi ngày dùng 8g bột này, sắc với 1 bát nước.