Việt Nam sẽ làm chủ tất cả sản phẩm an toàn, an ninh mạng vào đầu năm 2021

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo – triển lãm quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2020 với chủ đề: “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam - yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia”.

Đây là diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm của cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế. Hội thảo - triển lãm ngày An toàn thông tin năm 2020 nhằm góp phần thúc đẩy việc làm chủ công nghệ và sử dụng sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Hội thảo nhằm gắn kết “3 nhà”: Các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng; Các đơn vị sử dụng dịch vụ, sản phẩm an toàn, an ninh mạng và các cơ quan xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo - triển lãm quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2020.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhấn mạnh: "Cường quốc an ninh mạng cũng như cường quốc quân sự; công nghiệp an ninh mạng cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Việt Nam phải làm chủ Hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng; phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh."

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: Một dấu mốc rất lớn của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng nước ta năm nay là Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chỉ đầu năm 2021, tỷ lệ này sẽ là 100%. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này. Đây là tự hào của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các quốc gia chỉ có thể có niềm tin số khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua khi công nghệ đó là mở, nhất là khi công nghệ đó là để xây dựng các nền tảng hạ tầng quốc gia.

“Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng làm nòng cốt. Riêng về lĩnh vực an toàn, an ninh mạng thì các chuyên gia giỏi và nền công nghiệp là hai yếu tố quan trọng ngang nhau. Ngoài doanh nghiệp, ngoài công cụ thì cần phải có các cá nhân xuất sắc. Đội ngũ cá nhân xuất sắc có thể nằm ở các doanh nghiệp. Nhưng khi đất nước lâm nguy, thì có thể trưng dụng được. Hiệp hội và Cục An toàn thông tin nên cân nhắc đứng ra liên kết mạng lưới này. Việc tiếp cận các sự kiện của Hiệp hội và Cục An toàn thông tin là một cách tiếp cận tốt. Bộ TTTT luôn coi Hiệp hội An toàn thông tin như một bộ phận quan trọng trong hệ thống an toàn, an ninh mạng quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý.

Chuyển đổi số là công cuộc toàn dân và toàn diện, ứng dụng số sẽ là phổ cập. Muốn phổ cập thì phải rẻ, phải dễ dùng. Các doanh nghiệp an toàn thông tin phải có cách tiếp cận mới để phổ cập an toàn, an ninh mạng tới mọi cá nhân, tổ chức. Đó có thể là các sản phẩm an toàn, an ninh mạng được phát triển dưới dạng các nền tảng - platform, đó có thể là cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng như dịch vụ hay cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí để phổ cập và thu phí dịch vụ nâng cao…. Bộ TTTT khuyến khích các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng có những cách tiếp cận mới cả về công nghệ và marketing, để sớm phổ cập sản phẩm dịch vụ an toàn, an ninh mạng tới mọi người và mọi tổ chức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nên nhận về mình một số công việc mới, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp mà hỗ trợ người dân và xã hội, đó có thể là soạn thảo và phổ cập cuốn cẩm nang về an toàn thông tin mạng dành cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đó có thể là miễn phí và phổ cập phần mềm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho rằng: Trong kỷ nguyên 4.0 , chuyển đổi số là điều tất yếu mà mọi quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Tại Việt Nam, năm 2020 được coi là năm Chuyển đổi sổ quốc gia với việc triển khai mạnh mẽ các hạ tầng, nền tảng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) khi áp dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật... Trong quá trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… của đất nước, việc thiết lập môi trường an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là điều kiện cơ bản, là yếu tố sống còn để thực hiện thành công Chuyển đổi số Quốc gia.

“Năng lực bảo đảm an toàn thông tin của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn thông tin do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Qua phần trình bày và tọa đàm tại Hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam truyền đi thông điệp: Sản phẩm, dịch vụ giải pháp Make in Vietnam sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chuyển đổi số Quốc gia”, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết.

Tại hội thảo đã diễn ra Lễ công bố các nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, Hiệp hội sẽ liên kết các doanh nghiệp hội viên để đưa ra những cam kết đối với xã hội về các dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản có chất lượng tốt, miễn phí theo chính sách Freemium và linh hoạt, dễ tiếp cận nhờ sử dụng mô hình dịch vụ Security-as-a-Service (SaaS) trên nền tảng điện toán đám mây, tiến tới phổ cập các dịch vụ này. Trách nhiệm góp phần phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng của đất nước được VNISA thể hiện qua các hoạt động thiết thực, như chủ trì tổ chức cuộc thi sinh viên với an toàn thông tin suốt 13 năm qua, mở rộng ra các nước ASEAN trong 2 năm cuối.

Sắp tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các tổ chức liên quan, tổ chức cuộc thi nhận thức về an toàn thông tin tới đối tượng là các em học sinh phổ thông đồng thời liên kết với các doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên không gian mạng để hỗ trợ nhà trường và phụ huynh trong lĩnh vực này.

Theo TTXVN/Báo Tin tức