Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng đô thị thông minh

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ về “Phát triển đô thị thông minh bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, UBND tỉnh vừa tổ chức vận hành thí điểm Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh ra đời, nhằm giám sát, phát hiện, xử lý và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh cũng như sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông cùng các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị. Trên cơ sở nghiên cứu thực hiện đề án, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì đề xuất các giải pháp tối ưu nhằm phù hợp với điều kiện của tỉnh và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống. Trong giai đoạn thí điểm năm 2020 với mục tiêu triển khai hạ tầng, tập trung dữ liệu triển khai các dịch vụ ưu tiên, Tập đoàn VNPT đã tài trợ bằng hiện vật trị giá 1,74 tỷ đồng theo chương trình hợp tác phát triển CNTT để thực hiện nâng cấp Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh sẵn sàng cho việc tập trung dữ liệu. Bên cạnh đó, tỉnh cân đối bố trí nguồn ngân sách triển khai việc xây dựng hạ tầng cơ sở, thực hiện tích hợp chia sẻ dữ liệu đối với các đơn vị, cơ quan chức năng.

Vận hành hệ thống tại Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh hiện đã kết nối, tích hợp với 8 hệ thống thông tin để phục vụ cho điều hành đô thị thông minh. Cụ thể gồm: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống giám sát tàu cá, hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, hệ thống quản lý giám sát an ninh trên mạng, hệ thống quan trắc môi trường và hệ thống du lịch thông minh. Ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hệ thống sẽ góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, giúp nâng cao diện mạo đô thị, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chất lượng thể hiện ở hạ tầng, các tiện ích được tích hợp hỗ trợ người dân như chỉ dẫn đến các dịch vụ như y tế, quan trắc môi trường, quản lý hệ thống nước thải, mật độ cây xanh, trạm cấp nước PCCC, giao thông, các thông tin về quy hoạch, chủ sở hữu đất đai thông qua các bản đồ được cung cấp thông tin qua hệ thống này… Thông qua hệ thống này, người dân cũng có thể phản ánh thông tin về công tác quản lý hạ tầng, trật tự xây dựng, an toàn giao thông đến các cơ quan chức năng và kiến nghị xử lý.

Để Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả, đúng theo mục tiều đề ra, Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các dịch vụ trên APP Ninh Thuận thông minh và hệ thống tổng đài 1022. Quá trình vận hành, sử dụng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh và mở rộng đề án; kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách và sơ sở vật chất cho Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân, doanh nghiệp khai thác những tiện ích từ Trung tâm để kết nối thông tin, phản ánh ý kiến đến cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, góp phần xây dựng một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại tại Ninh Thuận.

Ông Đào Xuân Kỳ cho biết thêm: Trong năm 2021 hệ thống sẽ chú trọng tiếp nhận phản hồi, phản ánh hiện trường để tạo tiền đề thành công của hệ thống ứng dụng. Qua đó tiếp nhận và trả lời được tất cả các kiến nghị, phản hồi của người dân tạo lòng tin của người dân tới cơ quan công quyền và hệ thống. Sắp tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức tập huấn cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để sử dụng, vận hành hệ thống. Mặt khác, phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng hệ thống hạ tầng, tiếp nhận thông tin có bảo mật an toàn từ phía người dân. Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung thêm thông tin đối với các hệ thống giáo dục thông minh, hệ thống giám sát hồ đập và cảnh báo lũ sông Dinh; hệ thống quản lý hạ tầng đô thị, hệ thống thông tin đất đai, y tế thông minh và phòng cháy chữa cháy… Ngoài ra đáp ứng đủ về nhân sự vận hành hệ thống liên tục 24/24 giờ đối với hệ thống và đáp ứng nguồn lực về tài chính để đầu tư, duy trì hoạt động của Trung tâm ngày một hoàn thiện, hiệu quả.