Mưa gây ngập cục bộ ở một số nơi trên địa bàn tỉnh

Ngày 30- 11, trên địa bàn huyện Thuận Nam tiếp tục có mưa lớn, gây ngập cục bộ tại khu vực chợ Sơn Hải; thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh tiếp tục bị cô lập hoàn toàn.

Có mặt tại tuyến đường liên thôn Từ Thiện- Vĩnh Trường vào sáng ngày 30- 11, chúng tôi nhận thấy khu vực bị sạt lở dài khoảng 25m, 4 ống cống có đường kính 1m bị nước đẩy dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu, hoạt động lưu thông bị ngưng trệ. Tại thôn Từ Thiện, 30 máy bơm của các hộ dân nuôi ốc hương và tôm bị vùi lấp. Ông Nguyễn Viết Nam, lo lắng: Trong vài ngày tới, nếu tiếp tục có mưa sẽ gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi, trồng thủy sản.

Qua theo dõi, đến trưa ngày 30- 11, tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Thuận Nam vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại xã Phước Minh, mưa kéo dài suốt từ sáng sớm, kết hợp với hồ Tân Giang xả lũ nên nguy cơ ngập lụt rất cao. Tình trạng ngập cục bộ tại xã Cà Ná vẫn chưa được giải quyết. Riêng tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam nước đã rút hoàn toàn, mọi hoạt động của người dân cơ bản ổn định trở lại.

Mưa lớn gây ngập nhiều nhà dân ở khu vực Xóm Chiếu, thôn Công Thành, xã Thành Hải, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm. Ảnh: Tiến Mạnh

Hiện nay, UBND huyện Thuận Nam tiếp tục chỉ đạo các xã phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập sâu, có nước chảy xiết, khu vực bị chia cắt. Đồng thời, đề nghị các địa phương theo dõi sát sao tình hình diễn biến mưa lũ và triển khai phương án ứng phó kịp thời; tổ chức trực ban 24/24 giờ. Trạm Thủy nông thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, lưu lượng nước tại các hồ đập để có có kế hoạch xả lũ theo quy định.

Mưa lớn cũng gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Tại khu vực Xóm Chiếu, thôn Công Thành, xã Thành Hải bị ngập sâu khoảng 50 cm, nước vào 60 nhà dân; vùng Bà Nai, Ba Ngằng thôn Tân Sơn 1 và Tân Sơn 2; khu vực tái định cư thôn Cà Đú cũng có gần 200 nhà dân bị ngập nước.

Đồng chí Cao Hoàng Vũ Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Hải, cho biết: Nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, xã đang tập trung cho công tác ứng phó với mưa lũ; đồng thời, triển khai các phương án di dời dân tại các khu vực bị ngập úng cục bộ đến nơi an toàn; tổ chức cắm biển ở những khu vực thường xuyên bị ngập úng; phân công, bố trí lực lực xuống địa bàn các thôn kiểm soát, ứng cứu, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua các khu vực bị ngập úng.