Khí thải nhà kính vẫn tiếp tục gia tăng trong năm 2020

Báo cáo hằng năm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố mới đây cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - tác nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, vẫn tăng trong năm 2020 bất chấp các biện pháp hạn chế liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Báo cáo của WMO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mối đe dọa và nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra cho con người.

Thực trạng đáng báo động  

Trong bản Báo cáo hằng năm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính, WMO cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã lên mức kỷ lục trong năm 2019 và vẫn tiếp tục gia tăng trong năm nay bất chấp các biện pháp hạn chế liên quan đến cuộc chiến chống dịch COVID-19.

WMO đã phản ánh thực tế việc các nước áp đặt lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay thương mại,... để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 trên thực tế đã giúp cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm và khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide. Cụ thể, các báo cáo sơ bộ cho thấy trong giai đoạn lệnh phong tỏa áp đặt tại nhiều nước trên thế giới, lượng khí thải CO2 hằng ngày có thể giảm khoảng 17% trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mật độ tập trung CO2 trong bầu khí quyển giảm.

WMO cảnh báo hoạt động sản xuất công nghiệp giảm sút do dịch bệnh không làm cắt giảm mật độ tập trung kỷ lục khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển vốn đang tích tụ khí nóng trong không khí, làm gia tăng nhiệt độ, khiến nước biển dâng cao và gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

Một thực tế là, từ năm 1990, lượng khí nhà kính đã làm gia tăng 41% tổng bức xạ, nhân tố gây ra quá trình nóng lên toàn cầu. Trong đó, khí carbon dioxide (CO2) chiếm 82% lượng bức xạ gia tăng trong thập niên vừa qua. Năm 2015, mật độ CO2 trong bầu khí quyển đã vượt ngưỡng 400ppm và tăng thêm 10ppm chỉ 4 năm sau đó. Còn trong báo cáo hằng năm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính công bố ngày 23-11-2020, WMO cho biết mật độ khí CO2 tập trung trong khí quyển vào năm 2019 ở mức 410ppm, tăng so với mức 407,8ppm của năm 2018 và mật độ này đang tiếp tục gia tăng trong năm 2020. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử.

Cũng trong báo cáo năm 2020, WMO cũng đề cập đến mức gia tăng đáng lo ngại của khí methane và nitrous oxide - hai loại khí góp phần gây biến đổi khí hậu khác. Trong năm 2019, khí methane sản sinh từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, chiếm 16% nhân tố khiến Trái Đất ấm lên. Năm 2019, lượng khí này phát thải trong không khí tăng 260% so với thời kỳ tiền công nghiệp, ở mức 1.877ppm. Trong khi đó, mật độ khí nitrous oxide sản sinh từ hoạt động bón phân nông nghiệp trong năm ngoái vào khoảng 332 ppb, tăng 123% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Sự gia tăng đột biến nồng độ khí nhà kính cùng việc khí nhà kính lưu lại trong bầu khí quyển hằng thế kỷ và trong môi trường đại dương thời gian thậm chí lâu hơn khiến Trái Đất không thể hấp thu được hết lượng khí thải độc hại này cũng như các khí gây hiệu ứng nhà kính khác đang dư thừa trong bầu khí quyển, làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo WMO, nhiệt độ Trái Đất đã tăng thêm 1 độ C chỉ trong 3 năm qua cùng với mực nước biển dâng cao, cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, các hình thái thời tiết cực đoan như thiên tai gây thiệt hại nặng nề cả người và của, các đợt nóng kéo dài và các cơn bão hung dữ có sức tàn phá lớn cũng xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn, diễn biến phức tạp và khó lường hơn.... Tất cả những điều ấy đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. WMO cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm từ 3-5 độ C trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế ở mức 1,5 - 2 độ C theo Hiệp định Paris.

Vô số hệ lụy 

Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao, mưa bão, lũ lụt, cho đến các thiên tai có khả năng gây tàn phá quy mô lớn như động đất, sóng thần, hạn hán…

Những tác hại có thể nhìn thấy rõ của biến đổi khí hậu, đó chính là các hệ sinh thái bị phá hủy, gây sự thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm, và các vấn đề y tế liên quan khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của con người mà còn là vấn đề sinh tồn. Minh chứng cho sự phá hủy hệ sinh thái chính là việc các rạn san hô đang ngày càng bị tẩy trắng do sự ấm lên của nước biển…

Biến đổi khí hậu còn làm mất đa dạng sinh học. Tình trạng nhiệt độ Trái đất hiện nay đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa. Sự mất mát này là do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, do nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Các nhà sinh vật học nhận thấy đã có một số loài động vật di cư đến vùng cực để tìm môi trường sống có nhiệt độ phù hợp. Điển hình như là loài cáo đỏ, trước đây chúng thường sống ở Bắc Mỹ thì nay đã chuyển lên vùng Bắc cực. Không chỉ loài vật, con người cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tình trạng đất hoang hóa và mực nước biển đang dâng lên cũng đe dọa đến nơi cư trú của chúng ta. Và khi cây cỏ và động vật bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của chúng ta cũng mất đi.

Biến đổi khí hậu còn là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh và xung đột. Do nhiệt độ trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu theo chiều hướng xấu đã dần làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lương thực và nước ngọt ngày càng khan hiếm, đất đai dần biến mất nhưng dân số cứ tiếp tục tăng. Đây là những yếu tố châm ngòi cho các tranh chấp và xung đột đối với nguồn tài nguyên đang cạn kiệt giữa các nước và vùng lãnh thổ. Theo phân tích của các chuyên gia, các quốc gia thường xuyên bị khan hiếm nước và mùa màng thất bát thường rất bất ổn về an ninh.

Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán cũng gây ra nhiều dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Hàng năm có khoảng 150 nghìn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy. Sự nóng lên toàn cầu cũng kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người. Các điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra đang cản trở những nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng như làm xói mòn những thành tựu đạt được trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Ngoài ra, các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát. Bên cạnh đó, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế. Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống của con người. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới… Theo ước tính của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu khiến nền kinh tế toàn cầu gánh chịu thiệt hại lên đến 21.000 tỷ USD vào năm 2050.

Theo các nhà khoa học, chính con người với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày là một trong những nguyên nhân chính đang gây ra sự nóng lên toàn cầu và gây ra hiệu ứng nhà kính. Đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Thậm chí, đại dịch COVID-19 còn là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN