Hội nghị “ Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp-Triển khai chương trình OCOP năm 2020”

Ngày 27-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị chuyên đề “Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao (KHCN,CNC) trong sản xuất nông nghiệp-Triển khai chương trình OCOP năm 2020”.

Sau 5 năm (2016-2020) triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp, công tác ứng dụng tiến bộ KHCN,CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất, đổi mới công nghệ tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Đến cuối năm 2020, đã thu hút 15 dự án đầu tư vào nông nghiệp CNC, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm, cây trồng vật nuôi tiềm năng của tỉnh từng bước tiếp cận khoa học-kỹ thuật tiên tiến đem lại hiệu quả rõ rệt; năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã triển khai hỗ trợ 180 doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ cho 48 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất các sản phẩm đặc thù và một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, hệ thống nhận diện và thương mại hóa sản phẩm; áp dụng hệ thống tiên tiến, phổ biến quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap, Organic… cho 40 doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị ứng dụng Khoa học công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp-Triển khai chương trình OCOP năm 2020.

Hội nghị đã nghe đại diện Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 giới thiệu tổng quan về Chương trình OCOP quốc gia, nội dung thực hiện Đề án sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Các đại biểu tham dự hội nghị đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp thực hiện trong việc ứng dụng KHCN, CNC vào sản xuất nông nghiệp thời gian tới. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tiếp cận và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn và đạt tiêu chuẩn cao gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất ứng dụng KHCN, CNC trên địa bàn tỉnh đạt 1.000 ha, có 20 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động hiệu quả, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác đạt trên 500 triệu đồng/năm. Chú trọng đầu tư mở rộng ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp CNC kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái…