Hướng tới mục tiêu chuyển đổi 8.000 ha cây trồng cạn

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn tới sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021- 2030 tiếp tục chuyển đổi 8.000 ha đất lúa, đất màu khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Trong đó, các đối tượng cây trồng chuyển đổi là những sản phẩm đặc thù của tỉnh như: táo, nho, măng tây xanh, bưởi da xanh.

Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã chuyển trên 7.200 ha lúa, các loại rau màu sang trồng cây ăn quả, trong đó có 1.500 ha chuyển đổi sang cây trồng bền vững, còn lại là chuyển đổi luân canh và cây ngắn ngày. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, so sánh về hiệu quả sản xuất, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây ngắn ngày đã cho thu nhập cao gấp 1,5 đến 2 lần, đối với cây ăn quả dài ngày cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Qua đó, duy trì sản xuất ổn định ở những vùng khó khăn về nguồn nước, giúp người dân có thu nhập trong điều kiện nắng hạn.

Vùng trồng nho tập trung thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Từ sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong hỗ trợ nông dân thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng cây ăn quả quy mô lớn, thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân cũng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới để ngăn chặn sâu bệnh, biến các vùng đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang trồng táo, nho, măng tây xanh… cho thu nhập cao, đạt từ 5 đến 7 trăm triệu đồng/ha/năm. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn tới sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021- 2030 tiếp tục chuyển đổi 8.000 ha đất lúa, đất màu khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Trong đó, các đối tượng cây trồng chuyển đổi là những sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Táo, nho, măng tây xanh, bưởi da xanh.

Để phấn đấu đạt mục tiêu chuyển đổi cây trồng, ngoài giải pháp tuyên truyền, vận động nông dân chủ động đăng ký chuyển đổi, ngành NN&PTNT còn chủ động kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích liên kết giữa nông dân với nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Yêu cầu của công tác chuyển đổi cây trồng trong những năm tới không chỉ dừng lại ở quy mô diện tích, mà phải đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Sở NN&PTNT đã đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng sản xuất có hồ chứa dung tích nhỏ, năng lực tưới không đáp ứng nhu cầu và các trạm bơm động lực chuyển sang bố trí cây trồng dài ngày. Các mô hình “cánh đồng lớn”, mô hình tưới tiết kiệm nước đã triển khai có hiệu quả trước đây tiếp tục được ưu tiên hỗ trợ nhân rộng theo hướng mở rộng liên kết, hợp tác và hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng lựa chọn một số sản phẩm đặc thù, có tiềm năng để tập trung nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thành các vùng nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ cao gắn với chế biến; phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nông dân Thuận Bắc chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: Hồng Lâm

Trong số các giải pháp chuyển đổi cây trồng đảm bảo tính bền vững mà Sở NN&PTNT đề ra, thì giải quyết khâu nước tưới là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế vào mua khô, mực nước ở các hồ chứa, sông, suối trên địa bàn tỉnh xuống thấp, hoạt động sản xuất ở những vùng chuyển đổi gặp nhiều khó khăn. Do đó, đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, liên thông các hồ chứa để giải quyết tình trạng thiếu nước giữa các lưu vực là rất cần thiết. Khi nước sản xuất vào được tất cả các chân ruộng, thì sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gắn với đổi mới kỹ thuật canh tác để đảm bảo duy trì sản xuất liên tục các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao ở quy mô lớn một cách có hiệu quả.

Chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả, đất màu khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây đặc thù của tỉnh không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nông dân, mà còn đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đây là hướng đi đúng ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn như tỉnh ta, các ngành, các cấp, nông dân phải quyết tâm thực hiện, tạo đà cho nông nghiệp bứt phá.