Đảng bộ Khối Cơ quan- Doanh nghiệp tỉnh: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

Đảng bộ Khối Cơ quan-Doanh nghiệp (CQ-DN) tỉnh hiện có 94 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 3.600 đảng viên. Trong đó, loại hình hành chính 45; sự nghiệp 14 và doanh nghiệp 35. Xác định vị trí, tầm quan trọng của TCCSĐ, trong những năm qua, Đảng bộ Khối đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu đối với các TCCSĐ.

Nhiệm kỳ qua, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ Khối đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tích cực tham gia với lãnh đạo chuyên môn, tham mưu đề xuất với tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển theo từng lĩnh vực, sát với đặc thù của khối. Các TCCSĐ trong các cơ quan hành chính đã phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tăng cường trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động tham mưu thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và tham gia xây dựng, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chủ trương, biện pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra. TCCSĐ trong các đơn vị sự nghiệp đã tăng cường lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ được giao theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa và thực hiện chuẩn hóa. TCCSĐ trong cơ quan MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, hội nghề nghiệp đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể, phát triển đoàn viên, hội viên; bám sát cơ sở, hướng về cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. TCCSĐ trong các doanh nghiệp đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo và phối hợp lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động công nhân và người lao động trong doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp; chăm lo, thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển. Ảnh: H.Nỷ

Ngoài ra, các TCCSĐ đã lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh ở cơ sở hoạt động có hiệu quả; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động, không để xảy ra đình công, lãn công, tụ tập gây mât trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đó của các TCCSĐ đã góp phần quan trọng để Đảng bộ Khối thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả giai đoạn 2015-2020; nổi bật, qua phân loại hàng năm, có 97,5% chi, đảng bộ cơ sở đã lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, vượt 4,5%; 95% TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt 5%; 96,8% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt 9,8%; kết nạp 901 đảng viên mới, vượt 6% so với chỉ tiêu giao;... đóng góp xứng đáng vào kết quả chung của toàn Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Lê Đức Khai, Bí thư Đảng ủy Khối, cho biết: Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là phải thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, xem đó là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và cấp thiết trong giai đoạn mới. Từ kết quả và thực tiễn hoạt động của Đảng bộ Khối, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ VII, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Khối tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TCCSĐ “là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở” và thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và cấp ủy viên nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Đổi mới công tác chính trị, tư tưởng phù hợp từng đối tượng quản lý, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hàng năm. Chỉ đạo TCCSĐ xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng trong từng giai đoạn cụ thể, nhất là chú trọng thực hiện việc nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị.

Đổi mới phương thức, phong cách làm việc của cấp uỷ và tổ chức đảng. Tiếp tục kiện toàn mô hình TCCSĐ gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ; thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình gắn mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan tâm đổi mới, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển gắn với việc chú trọng công tác tuyển chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Chỉ đạo các TCCSĐ bám sát tiêu chuẩn đảng viên để rà soát, sàng lọc, phân tích chất lượng; đồng thời tích cực tạo nguồn phát triển đảng viên; đi đôi với việc rà soát, đề nghị đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất. Tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật đảng. Quá trình kiểm tra sẽ kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan, đoàn thể liên quan; gắn với củng cố kiện toàn cấp ủy, bảo đảm tính ổn định của TCCSĐ để lãnh đạo cơ quan và đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.