Thuận Nam: Thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay, huyện Thuận Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, vốn vay, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Là xã miền núi, trước đây đời sống người dân xã Phước Hà gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, xuống cấp. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135 của Chính phủ, Phước Hà đã có nhiều đổi thay. Đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư xây mới, sửa chữa đảm bảo điều kiện đi lại, học tập và làm việc của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. Đoạn đường dài hơn 4km nối từ thôn Tân Hà đến khu sản xuất nông nghiệp Anh Dũng được bê tông hóa toàn bộ đã giúp cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi.

Đồng chí Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã Phước Hà, cho biết: Với xã nghèo như Phước Hà, nguồn vốn hơn 7,7 tỷ đồng từ Chương trình 135 của Chính Phủ rất có ý nghĩa. Không chỉ có tác dụng trong đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, một số mô hình phát triển kinh tế được triển khai từ nguồn vốn này đã giúp 129 hộ nghèo tạo được sinh kế, nhất là hưởng lợi Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, nhiều hộ trên địa bàn còn thu nhập khá.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, nông dân Phước Hà được hỗ trợ phát triển sản xuất.

Là xã bãi ngang ven biển, được hưởng lợi từ Chương trình 30a của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Phước Dinh được phân bổ khoảng 6,5 tỷ đồng để xây mới và duy tu các công trình cơ sở hạ tầng, cùng với 1,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Đời sống Nhân dân ổn định, bộ mặt nông thôn mới có nhiều đổi thay. Đến nay, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Tại các xã Phước Nam, Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, nhờ thực hiện tốt các mô hình giảm nghèo thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, số hộ nghèo hằng năm giảm. Các mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng, mở ra hướng đi mới cho Nhân dân địa phương. Cũng từ đây, niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Chính phủ được củng cố.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, với phương châm “Trao cần câu thay vì cho con cá”, ngoài nguồn vốn dành đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Thuận Nam còn chú trọng triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, vốn vay cho người nghèo. Thực tế cho thấy, đây là một hướng đi đúng, cần được nhân rộng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện dành nguồn lực hơn 6,3 tỷ đồng, triển khai 20 dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, dê sinh sản và trồng mít Thái Lan cho 6 xã: Phước Dinh, Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh, Phước Hà, Nhị Hà. Có 334 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực tham mưu, phối hợp kịp thời với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi giúp 13.952 lượt hộ dân tiếp cận với tổng nguồn vốn hơn 361 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà ở, y tế, giáo dục, tiền điện cho người nghèo được các cấp, ngành trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện. Trong vòng 5 năm, đã đào tạo nghề cho 1.862 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 người, đưa 75 lao động sang làm việc tại Nhật Bản, Ả Rập Xê - út, Đài Loan; cấp và hỗ trợ mua gần 50.000 thẻ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ xây dựng hơn 100 căn nhà cho hộ nghèo. Đến nay, qua 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn huyện Thuận Nam giảm từ 1,8- 2%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 5,5%.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã chủ động bám sát và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí phân bổ thực hiện hàng năm; quản lý tốt và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, quan tâm đưa các dự án sản xuất và chăn nuôi mới theo mô hình liên kết chuỗi giá trị để hộ nghèo có điều kiện tham gia góp phần cải thiện đời sống kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, làm tốt công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách giảm nghèo, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét nâng định mức vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất cho đối tượng hộ nghèo có cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.