Về thăm lại cô giáo cũ

Hôm nay tôi trở lại thăm cô giáo năm xưa, đường vào nhà cô đã khác xưa nhiều, hai bên hàng rào không còn dãy hoa cúc dại, cây me trước cổng cũng đã bị chặt. Giờ hai bên đường đã xây tường, chiếc cổng tre đã được thay bằng cửa sắt. Duy chỉ có ngôi nhà ngói vẫn vậy, rong rêu phủ lên mái làm cho ngôi nhà trở nên cũ kỹ, cổ kính hơn.

Cũng đã 25 năm rồi, từ ngày ra trường tôi mới trở lại thăm cô, mọi thứ có vẻ thay đổi nhiều, mái tóc cô cũng đã điểm những sợi bạc, khuôn mặt cô đã có nếp nhăn...

Cô hỏi tôi rất nhiều, từ hồi tốt nghiệp cấp 3 đến nay, công việc ra sao, gia đình thế nào? Cô hỏi từng bạn trong lớp giờ làm ở đâu?... Cô nhắc tên và tả tính cách từng bạn trong lớp, khiến ký ức về tuổi học trò với bao kỷ niệm vô tư, hồn nhiên cứ thế ùa về trong tôi.

Cô luôn nở nụ cười hiền từ và hạnh phúc với học trò cũ khi đến thăm.

Cô hồi đó là giáo viên dạy môn văn và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8 của lớp tôi. Cô rất hiền, giọng nói của cô nhỏ nhẹ, trầm lắng nên mỗi lần cô lên lớp là ai cũng hào hứng nghe cô giảng. Cô không bao giờ phạt học sinh, chỉ nhắc nhở và khuyên răn mỗi lần chúng tôi bày trò nghịch ngợm. Nhớ ngày 20-11 năm cuối cấp, cả lớp chúng tôi đến thăm, chúc mừng cô. Hồi đó, chúng tôi chuẩn bị quà rất đơn sơ, chỉ là một quyển sổ hoặc cái chậu, xịn lắm là bộ ấm chén. Vậy mà đến thăm cô còn sợ chúng tôi đói nên cô nấu cơm và bắt tất cả phải ở lại ăn. Đám thằng Hòa mập, Ngọc hít thay nhau trèo cây me ở cổng để hái me chín cho tụi con gái ăn và cho cô nấu canh chua… Sau này, khi chuẩn bị thi đại học cô đã dành riêng thời gian rảnh rỗi để phụ đạo cho những bạn trong lớp theo khối C mà không thu tiền. Cô đã động viên, chăm sóc chúng tôi như những đứa con của mình.

Rót ly nước trà nóng, cô nhìn tôi với ánh mắt trìu mến: “Đã lâu lắm rồi chưa gặp lại em, giờ thấy các em đã trưởng thành và thành đạt hết rồi, cô mừng lắm”. Tôi nói vui: “Em tưởng cô thoát được những học trò nghịch ngợm như tụi em thì cô mừng chứ”. Cô cười: “Thì lớp các em đi sẽ có lớp khác em à, được gắn bó với các em và giúp các em trưởng thành mới là điều hạnh phúc trong nghề của cô”.

Trò chuyện một lúc, tôi đề nghị chở cô thăm lại trường cũ, đứng trước ngôi trường Tháp Chàm năm xưa, lòng tôi chộn rộn. Sân trường im lìm trong ngày nghỉ, bây giờ trường cũng khác xưa nhiều. Dãy ghế đá chúng tôi giành nhau ngồi mỗi giờ giải lao đã được thay bằng rất nhiều ghế đá do các cựu học sinh tặng, hàng phượng vĩ nơi các bạn hay nhặt hoa ép cánh phượng cũng đã được chặt đi để xây thư viện trường. Khuôn viên trường sạch, đẹp hơn vì có nhiều hoa và cây cối xanh tươi. Cô chỉ cho tôi phòng học của lớp cô chủ nhiệm bây giờ, cô cẩn thận đi từng ngăn bàn và nhặt những cục giấy vo tròn của các bạn học sinh vẫn còn vương lại sau giờ học. Cô cười và nói với tôi: “Đấy, em thấy không học trò thời nào cũng vậy, có nét tinh nghịch và những nét đáng yêu. Đó sẽ là những kỷ niệm đẹp của các em sau này và cũng là niềm hạnh phúc của các cô khi được các em nhớ đến”. Nhìn nụ cười hiền từ và hạnh phúc của cô, tự nhiên tôi cảm thấy có chút lỗi vì ngày xưa chúng tôi nghịch phá nhiều, vậy mà cô vẫn luôn yêu thương chúng tôi.

Chào cô tôi ra về, tự hứa với lòng mình dù sau này bận gì thì mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tôi cũng sẽ sắp xếp về thăm cô.

Trong giây phút chia tay, cô vẫn dặn dò: "Em phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc và cuộc sống vì không có thành công nào mà không có sự nỗ lực của chính bản thân mình". Đúng là lòng cô lúc nào cũng bao la tình yêu thương, vị tha và lặng thầm như những người lái đò chở khách qua sông…