Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Bài 3: Cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác này, theo đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, không chỉ có ngành LĐ-TB&XH, mà từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương cũng phải vào cuộc, có sự phối hợp đồng bộ và phải có những cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp và khoa học hơn.

Đánh giá mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, mặc dù đơn vị đã thực hiện đạt và vượt 3 chỉ tiêu pháp lệnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao. Trong đó, giải quyết việc làm mới vượt trên 3,11%; giáo dục nghề nghiệp vượt trên 5,35%, tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt trên 0,16% và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,84%. Kết quả này góp phần giúp tỉnh hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra. Thế nhưng, nếu so với chỉ tiêu Đề án 1956 của tỉnh thì tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề trong 10 năm qua cũng chỉ đạt 84,89%; tỷ trọng lao động được đào tạo ở lĩnh vực phi nông nghiệp còn thấp. Riêng giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ đào tạo chỉ đạt 80,49%; trong đó nghề phi nông nghiệp chỉ đạt 46,87%. Ngoài khó khăn về nguồn kinh phí, một trong những nguyên nhân lý giải cho hạn chế này là nhiều bà con không mặn mà hoặc gặp khó khăn trong quá trình học tập.

Các học viên lớp điện Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành.

Ông Phạm Bá Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Ninh Sơn chia sẻ: Đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề thuộc Đề án là nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách..., nhiều người trong số đó không có công ăn việc làm phải đi làm thuê, chạy ăn từng bữa. Chi phí hỗ trợ đi cho mỗi người 30 ngàn đồng/người; trong khi đó mỗi ngày đi làm thuê được trả 100-200 ngàn đồng. Nếu đi học thì mất đi thu nhập một ngày công lao động nên nhiều người đăng ký nhưng không học hoặc bỏ giữa chừng dẫn đến số lao động được đào tạo không đạt chỉ tiêu đề ra. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chủ yếu học tập trung tại tỉnh; trong khi đó cán bộ được cử đi học phải thực hiện công việc chuyên môn, có người làm công tác kiêm nhiệm, nếu đi học không có người làm thế… nên số lượng cán bộ, công chức xã được đào tạo bồi dưỡng theo Đề án 1956 hàng năm thấp so với nhu cầu đào tạo của các địa phương. Ngoài ra còn có nhiều khó khăn, hạn chế khác như: nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề, lập nghiệp còn chưa đầy đủ, còn có tình trạng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, kém thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp. Công tác tuyên truyền về dạy nghề, học nghề có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức...

Buổi học lý thuyết của các học viên lớp sửa ô tô của Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Đến thời điểm này, Chính phủ chưa xây dựng, phê duyệt Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, với xu thế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, tỉnh xác định công tác này là một yêu cầu cấp thiết, có vai trò quan trọng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của bà con ở vùng nông thôn. Chỉ tiêu chung đào tạo nguồn nhân lực tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh là tuyển mới giáo dục nghề 90.500 người; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp 14.000 người, đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên: 76.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Riêng trong giai đoạn 2021-2025, tuyển mới đào tạo nghề cho 45.000 lao động; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp 6.500 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 38.000 người.

Để làm được điều này, trước tiên, cần thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, đặc biệt cần chuyển mạnh từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sang dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động, yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và nhu cầu đa dạng của xã hội; gắn dạy nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và gắn với tạo việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp... Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện cho các cơ sở dạy nghề; đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia, trong đó lưu ý đến

"học đi đôi với hành” nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo. Ngoài ra, cần có chính sách hợp lý hỗ trợ chi phí giúp cho người học nghề trong suốt quá trình học tập… , góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nói chung và lao động nông thôn nói riêng, giúp bà con giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đóng góp xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.