Hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất tôm giống bền vững

Thực hiện chiến lược phát triển ngành tôm Việt Nam theo Quyết định số 79/QĐ-TTg, ngày 18-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ, vài năm trở lại đây nghề nuôi tôm thương phẩm đã có bước phát triển vượt bậc, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu con giống. Nhằm đảm bảo cung ứng đủ số lượng giống cho nghề nuôi tôm thương phẩm của cả nước cũng như ở địa phương, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để lĩnh vực sản xuất tôm giống không ngừng phát triển.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 450 cơ sở/1.200 trại sản xuất tôm giống, tổng công suất bể ương hơn 130.000 m3, có khu sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh riêng biệt tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam), hàng năm có thể cung cấp hơn 30 tỷ con tôm giống cho các trại nuôi trong cả nước. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển được xác định, sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống là một trong những nhóm ngành cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, để tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.

Thực hiện mục tiêu trên, tận dụng nguồn vốn ngân sách của Trung ương, địa phương, tỉnh ta đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, nâng cao năng lực quản lý nuôi, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các khu vực sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh. Điển hình như năm 2005, tỉnh ta đã quy hoạch và đầu tư khoảng 38 tỷ đồng để xây dựng 4 hệ thống tiêu nước chính và ao xử lý nước thải, trạm bơm nước biển, lưới điện, đường giao thông… tại khu sản xuất tôm giống tập trung An Hải (Ninh Phước); thông qua Dự án nguồn lợi ven biển vì sự nghiệp phát triển bền vững-CRSD Ninh Thuận, từ năm 2013 đến nay, tiến hành mở rộng quy mô sản xuất tôm giống ở khu vực xã Nhơn Hải (Ninh Hải) lên 100 ha, ngành Nông nghiệp thực hiện việc lồng ghép công tác tập huấn, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực quản lý và cải tiến, nâng cấp 4 phòng xét nghiệm tôm đạt tiêu chuẩn cao, có khả năng kiểm tra một số loại bệnh virus MBV, WSSV, YHV, HPV và một số yếu tố môi trường như Oxy, PH, độ mặn.

Nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư S6, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra chất lượng tôm post giống. Ảnh: Đ.Khôi

Với việc chú trọng đầu tư trang thiết bị cho các vùng sản xuất tôm giống, góp phần phục vụ ổn định cho nghề nuôi tôm giống, đồng thời tạo sự liên kết giữa các khu trại nhỏ lẻ với nhau, hình thành khu vực sản xuất tập trung rộng lớn, tạo môi trường thông thoáng, dễ quản lý việc xử lý nước thải và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, với việc đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết, tạo cơ sở thu hút nhiều doanh nghiệp đến đăng ký tham gia sản xuất. Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư S6, một doanh nghiệp chuyên cung cấp tôm giống sạch bệnh, nhìn nhận: Với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, hoạt động sản xuất tôm giống có bước phát triển tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều công ty đã có sự cải tiến đáng kể về mặt kỹ thuật, áp dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn về quy định an toàn sinh học, nhờ đó tôm giống Ninh Thuận ngày càng tạo được tiếng vang, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Từ sự nỗ lực của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng tôm giống sạch bệnh, năm 2018 tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, đồng thời, được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh; chính điều này, đã tạo ra bước đột phá mới, đưa nghề nuôi tôm giống trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững trong thời gian qua.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, mục tiêu đến cuối năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 2.555,8 ha; trong đó, tôm nuôi 986 ha, tăng sản lượng cung cấp lên 36 tỷ con tôm giống. Phấn đấu trong đoạn 2020-2030, năng lực sản xuất tôm giống tăng lên từ 40-45 tỷ con giống, thu hút khoảng 4.000 lao động trực tiếp sản xuất và làm dịch vụ cung cấp thức ăn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Nhằm đạt được kỳ vọng hướng tới xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống công nghệ cao của cả nước, tín hiệu vui cho nghề tôm giống trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, chính là việc tỉnh đề xuất nâng cấp vùng sản xuất giống thủy sản ở xã An Hải quy mô 196 ha thành khu vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao và đưa vào quy hoạch tổng thể chung của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023.

Để từng bước đạt được kế hoạch đề ra, ngoài tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai dự án “Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Ninh Thuận” từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, với tổng vốn hơn 646,7 tỷ đồng. Trong đó, có 1 tiểu dự án tập trung đầu tư khu tôm giống An Hải với các hạng mục như: Nâng cấp hệ thống điện trung áp, hạ áp đến các trại giống, hình thành khu trung tâm quản lý, kiểm định chất lượng tôm sú giống, khu nhân tạo tôm giống, ao nuôi thử nghiệm và các công trình phụ trợ khác, kinh phí thực hiện dự kiến 250,482 tỷ đồng. Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, cho biết: Dự án đã được UBND tỉnh thông qua và đề xuất Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Thế giới xem xét và phê duyệt; đây được xem là một trong những dự án mang tính chiến lược, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất, đưa khoa học - công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và sản lượng tôm giống tại địa phương.

Có thể nói, với những giải pháp, chính sách đồng bộ đã thúc đẩy hoạt động sản xuất tôm giống phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.