Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; tập trung xây dựng chính quyền điện tử từ tỉnh đến cơ sở dần chuyển sang chính quyền số. Do vậy, công tác ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội đặc biệt là trong cải cách hành chính (CCHC).

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Tỉnh đã xác định việc ứng dụng CNTT gắn với CCHC giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có ba vấn đề hết sức cấp bách. Một là, thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Hai là, sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, xử lý hồ sơ, các công việc hàng ngày của các cơ quan nhà nước. Ba là, phục vụ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính theo các quy định của Chính phủ. Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa nền hành chính đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận.

Từ năm 2015 đến nay tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh kết nối từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến với 7 điểm cầu cấp huyện và kết nối mềm với 25 điểm cầu các sở, ban, ngành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử vào hoạt động của các cơ quan nhà nước đã thay đổi được tư duy làm việc theo kiểu thủ công sang việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của từng cán bộ, công chức, viên chức, giúp giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, không gian; tiết kiệm giấy, mực, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm bớt thời gian hội họp bằng việc trao đổi ý kiến trên mạng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác, từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Tổng số văn bản đã số hóa 251.654 văn bản đến và 74.520 văn bản đi. Tỉnh đã xây dựng trục LGSP để liên thông văn bản 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.

Qua ứng dựng CNTT đã công khai, minh bạch hoạt động hành chính. Một trong những công cụ giám sát hiệu quả đó là hệ thống “một cửa điện tử” và “dịch vụ công”. Đây không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là mức đánh giá hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã triển khai “một cửa điện tử” tích hợp trong Cổng dịch vụ công và cung cấp: 1.879 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3 và 4 đạt 100% kế hoạch đề ra. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và cập nhật trên Cổng dịch vụ công trực tuyến 32.927 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng và trước hạn 88,45%. Đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 11.190 hồ sơ, đạt tỷ lệ 94,84%. Bên cạnh đó, một trong những công cụ minh bạch thông tin tốt nhất cho các cơ quan nhà nước đó là cổng và trang thông tin điện tử, tỉnh đã tích hợp 18 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, 7 trang thông tin điện tử của UBND các huyện, thành phố và 21 trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, đoàn thể tạo môi trường giao tiếp, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã có những đột phá mới, tạo chuyển biến lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; thay đổi phong cách, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả; cách thức tiếp cận, giao dịch giữa tổ chức, người dân và chính quyền cũng đã được chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại. CNTT đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, một trong những giải pháp được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra: “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính các cấp”. Để đạt được mục tiêu trên, theo đồng chí Đào Xuân Kỳ, tỉnh cần tiếp tục ban hành một số văn bản bảo đảm môi trường pháp lý để thúc đẩy, triển khai ứng dụng CNTT. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT ở một số lĩnh vực có đủ điều kiện nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành, các cấp; đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin đồng bộ, hiện đại; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT nhằm bảo đảm cho sự phát triển ứng dụng CNTT trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ ứng dụng CNTT với cải cách quy trình, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Cùng với đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ CCHC. Quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác CCHC có năng lực, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để thực hiện việc rà soát, công khai các thủ tục hành chính được đầy đủ và kịp thời. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về tham gia các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.