Đinh Lăng

Còn gọi là cây gỏi cá, nam dương lâm. Tên khoa học Polysias fruticosa (L) Harms (Panax fruiticosum L, Nothopanax fruticosum (L) Miq, Tieghemopanax fruticosus (L.) R. Vig. Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae. Ta dùng rễ hay vỏ rễ phơi hoặc sấy khô của cây đinh lăng.

Mô tả cây

Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá (vì nhân dân thường lấy lá để ăn gỏi cá, nhưng tên đinh lăng phổ biến hơn) là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao 0,8 đến 1,5m. Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20-40cm, không có lá kèm rõ. Lá chét có cuống gầy dài 3-10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Cụm hoa hình chùy ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có dìa trắng nhạt. Quả dẹt dài 3-4mm, dày 1mm có vòi tồn tại.

Công dụng và liều dùng

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dược lý, Viện y học quân sự Việt Nam năm 1964 cho thí nghiệm dùng trên người thấy với liều 0,23 đến 0,50g bột đinh lăng một ngày dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu nhẹ độ (300) thì có kết quả tăng sức dẻo dai của cơ thể như khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Trong nhân dân, ngoài công dụng ăn gỏi cá, có nơi dùng đinh lăng chữa ho, ho ra máu, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng. Tại Ấn Độ, theo K. M. Naikarai, đinh lăng được dùng chữa sốt, làm săn da.

Đơn thuốc có đinh lăng

Chữa bệnh mỏi mệt, biếng hoạt động: Đinh lăng (rễ) phơi khô, thái mỏng 0,50g thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.

Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ cây đinh lăng 30-40g. Thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng, uống luôn 2-3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường (y sĩ Kim Hoán, Y học thực hành, 7-1963).

Chữa vết thương: Giã nát lá đinh lăng đắp lên.