Khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 12

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hồi 4 giờ ngày 9-11, vị trí tâm bão số 12 ở khoảng 13 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Tàu thuyền ngư dân Thuận Nam neo đậu tại Cảng Cà Ná. Ảnh: Văn Nỷ

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm vùng áp thấp ở khoảng 13 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Camphuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Riêng khu vực tỉnh Ninh Thuận, thời tiết trong 24 giờ tới, trên đất liền có mưa rào và dông vài nơi; gió đông bắc cấp 3, cấp 4, ven biển cấp 5, giật cấp 8. Vùng biển có mưa rào và dông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4.0 đến 6.0m; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3.

Thực hiện Công điện số 36/CĐ-TW ngày 8-11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Giám đốc Ban Quản lý Khai thác các Cảng cá: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 12 giờ, ngày 9-11. Thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão: Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná. Tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 18 giờ, ngày 9-11. Kiểm tra, rà soát, có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch ven biển; các khu nuôi trồng thủy sản, các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

UBND các huyện, thành phố, chuẩn bị sẵn sàng vận hành công trình tiêu thoát nước khi có mưa lớn để bảo vệ sản xuất, đề phòng ngập úng khu vực đô thị; hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nhất là các khu vực chăn nuôi tập trung. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng, do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại.