Thành tựu kinh tế - xã hội 2016-2020: Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch, tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 cũng không đạt mục tiêu, nhưng đặt trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia tăng trưởng cao nhất trên thế giới và sự nỗ lực, sức chống chọi bền bỉ để có được con số tăng trưởng dương năm 2020 của Việt Nam chính là điểm sáng rõ nét nhất…

Tiền đề tốt để bước vào kế hoạch 2021-2025

Theo các nhà kinh tế, đạt được kết quả như trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; luôn chủ động, linh hoạt, hiệu quả và khả năng thích ứng cao; có đối sách phù hợp, kịp thời với những vấn đề mới phát sinh và diễn biến tình hình quốc tế, trong nước. Biểu hiện sinh động nhất cho điều này là trước những diễn biến bất ngờ, phức tạp và nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời và kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Kết quả thành công này đã cho thấy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Phân tích kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dù vẫn còn có những mặt tồn tại, nhưng công tâm đánh giá, 5 năm qua là 5 năm thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, 4 năm đầu (2016-2019), Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao (bình quân 6,8%/năm), các chỉ tiêu cân đối lớn được cải thiện rõ rệt, từ bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, nợ công đến dự trữ ngoại hối, lạm phát, tốc độ tăng trưởng. Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, do sự xuất hiện của dịch COVID-19, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới bị ảnh hưởng. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong hai quốc gia của châu Á đạt tăng trưởng dương, đời sống người dân cơ bản vẫn được bảo đảm, không rơi vào khủng hoảng; đó là một sự thành công, làm tiền đề tốt để bước vào kế hoạch 2021-2025.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế năm 2020, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2020 là năm có tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, xét bối cảnh chung và so sánh với các nền kinh tế khác thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (2%-3%) lại là điểm đáng ca ngợi, nhất là về sự chống chịu, sức bền bỉ và cách thức ứng phó của những người “đứng mũi chịu sào”, của các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.

Cùng quan điểm, TS Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng kết quả này phần là do nỗ lực, cách xử lý vấn đề rất tốt của Việt Nam trước bối cảnh dịch bệnh. Thứ nhất, chúng ta có cách chống dịch quyết liệt, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương và trong toàn dân. Thứ hai, trước khi diễn ra dịch bệnh, chúng ta đã có nền tảng để tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn 2016-2019, tạo niềm tin với doanh nghiệp. Đáng chú ý, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định CPTPP được đánh giá cao, đã thể hiện tinh thần cam kết hội nhập, cải cách trong nước. Đặc biệt giữa lúc khó khăn, Việt Nam vẫn ký được Hiệp định EVFTA, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn; đồng thời tạo ra sức hấp dẫn quốc tế, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin tưởng và kỳ vọng

Chính phủ đã trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đã đưa ra 10 nhóm giải pháp, bao gồm: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại...

Đề cập đến mục tiêu tăng GDP năm 2021 khoảng 6%, giai đoạn 2021-2025 là khoảng 6,5%-7%, TS Võ Trí Thành cho rằng, các chỉ tiêu này có tính hiện thực và khá gần với tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, nhiều biến động khó lường, Việt Nam cần nỗ lực cải cách từng bước đi, tăng cường khả năng chống chịu với rất nhiều “cú sốc” có thể xảy ra mà ta chưa lường được. Điều chúng ta cần làm nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của con người, của các doanh nghiệp Việt Nam.

Còn 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới (2021-2025), theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt và cần sự nỗ lực rất lớn, đòi hỏi Chính phủ trong nhiệm kỳ mới có những quyết tâm cao, cách làm linh hoạt, sáng tạo, chủ động mới có thể đạt được. Với sự quyết tâm của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một Chính phủ hành động quyết liệt để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta kỳ vọng nền kinh tế sẽ có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2021-2025.

Nhiều dấu ấn trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020

- Kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta, nhất là các lực lượng tiền phương chống dịch, như: y tế, quân đội, công an, ngoại giao và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, cùng cả nước đoàn kết, đồng lòng, chung tay hành động, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch. Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

- Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Quy mô GDP tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người 2020 ước đạt hơn 2.750 USD; năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8% vượt mục tiêu đề ra; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống dưới 4% giai đoạn 2016-2020; xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, xuất siêu 5 năm liên tục; thương mại điện tử tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế; du lịch tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, đạt 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, tăng hơn 10 triệu lượt so với năm 2015.

Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

- Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện

Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm mạnh, từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm gần 33% lực lượng lao động vào năm 2020.

Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa đã kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% năm 2015 lên 90,7% năm 2020. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên. Hình thức dạy và học trực tuyến được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội.

Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam có những chuyển biến tích cực; nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc được phát huy, thể hiện rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được thế giới công nhận. Đến nay, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng internet và đang triển khai thử nghiệm mạng 5G. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.

Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập; chỉ số phát triển bền vững tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số về xếp hạng môi trường kinh doanh tăng lên, từ thứ hạng 88/183 năm 2010 lên thứ hạng 70/190 năm 2019...

Theo TTXVN