Tăng cường hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, với những giải pháp đồng bộ, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Xác định khuyến công là một trong những hoạt động quan trọng để thúc đẩy CNNT phát triển, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chủ động rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, thực hiện các đề án hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tránh sự dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ và hiệu quả thấp. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) và kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) phân bổ hàng năm, Trung tâm tập trung hỗ trợ cho các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương; trong đó, ưu tiên cho những nhóm ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu…

Từ nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia năm 2020, Công ty TNHH MTV Mỹ Viên được
hỗ trợ dây chuyền sản xuất ngói màu không nung tự động với công nghệ hiện đại.

Từ đầu năm đến nay, thông qua nguồn kinh phí KCQG và KCĐP, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh đã thực hiện 6 đề án hỗ trợ cho các cơ sở CNNT mở rộng quy mô sản xuất, với tổng kinh phí 2,695 tỷ đồng. Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ngói màu không nung tự động cho Công ty TNHH MTV Mỹ Viên; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông lâm sản của Công ty TNHH TM-XD-SX mộc Thanh Vân, Công ty TNHH SX-TM Thái Thuận - Ninh Thuận, Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Phát Ninh Thuận; hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong quy trình chế biến nước mắm cho hộ kinh doanh Quang Minh và chế biến sản phẩm tại Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín… Với sự hỗ trợ tích cực của công tác khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hình thành các chuỗi liên kết, tạo ra chất lượng sản phẩm dồi dào, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Là cơ sở chuyên sản xuất gạch không nung các loại, anh Nguyễn Kỳ Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ Viên tại xã Phước Ninh (Thuận Nam) chia sẻ: Công ty vừa được trung tâm hỗ trợ 800 triệu đồng từ nguồn kinh phí KCQG năm 2020, đầu tư mới hệ thống dây chuyền sản xuất với thiết bị công nghệ tiên tiến hoàn toàn tự động; nhờ đó, tiết kiệm đáng kể nguyên vật liệu, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường, nâng công suất thiết kế sản xuất lên 1,8 triệu viên/năm, sản phẩm làm ra không chỉ phân phối trong tỉnh mà còn mở rộng tiêu thụ sang các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa… tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại địa phương, với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh còn triển khai các đề án giới thiệu quảng bá những sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh lựa chọn các sản phẩm CNNT đạt giải cấp tỉnh tham gia sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020 tổ chức tại tỉnh Quảng Bình, kết quả có 6/10 sản phẩm đạt giải. Đây được xem là hoạt động mang ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy hợp tác giao thương với các tỉnh bạn, đưa sản phẩm CNNT của tỉnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Qua khảo sát, tỉnh ta hiện có khoảng 3.200 doanh nghiệp, trong đó, có trên 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT. Tuy nhiên, hầu hết đều có quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là hộ kinh doanh, năng lực vốn đầu tư thấp, việc đầu tư và thay đổi máy móc thiết bị thường vượt quá khả năng, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, tính cạnh tranh của sản phẩm còn thấp… Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Bình cho biết thêm: Ngoài nguồn kinh phí KCQG và KCĐP cấp mỗi năm, Trung tâm tiếp tục huy động và sử dụng linh hoạt các nguồn lực khác để hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trang bị công nghệ mới; chú trọng công tác đào tạo nhằm giúp doanh nghiệp có lao động tay nghề cao cũng như năng lực quản lý về sản xuất, tài chính, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh phát triển. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ sở CNNT nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, kịp thời nắm bắt chính sách, nội dung hoạt động khuyến công, từ đó tích cực chủ động đăng ký, tham gia. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, góp phần thúc đẩy CNNT ngày càng phát triển bền vững.