Định hướng phát triển mới của ngành Thủy sản

Tỉnh ta có bờ biển dài 105 km trải dọc theo địa bàn 5 huyện, thành phố, có vùng biển được đánh giá là một trong những ngư trường đánh bắt trọng điểm của cả nước; bên cạnh đó còn có nhiều đầm, vịnh, vùng cửa sông, bãi triều rất thích hợp cho nuôi trồng thủy sản (NTTS). Phát huy hiệu quả lợi thế ấy, trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Thủy sản đã có bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, NTTS; đặc biệt là về sản xuất giống thủy sản.

 Tạo đột phá về giá trị sản xuất

Trong 5 năm qua (2015-2020), được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để phát triển, giá trị sản xuất của ngành Thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm, vượt mục tiêu đề ra (trên 8%/năm). Về khai thác hải sản, tàu đánh cá có công suất lớn tăng mạnh cả về số lượng, chất lượng, trang thiết bị hiện đại; mô hình hợp tác sản xuất trên biển được phát huy, mở rộng. Tính đến đầu tháng 9, nhóm tàu cá hoạt động vùng khơi (theo tiêu chí mới lớn hơn hoặc bằng 15m) có 714 chiếc, trong đó có 668 tàu khai thác thủy sản và 46 tàu dịch vụ. Kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác hải sản, NTTS được đầu tư đồng bộ như: Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cà Ná, Bến cá Mỹ Tân, các khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Cái, Ninh Chữ, hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm tập trung Sơn Hải-Hồ Núi Một và dự án Trại thực nghiệm giống thủy sản. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra; năng lực sản xuất tăng nhanh, quy mô được mở rộng, cung ứng khoảng 30% nhu cầu của cả nước. Với trên 450 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động, hằng năm toàn tỉnh sản xuất 36 tỷ con tôm giống, tăng bình quân 13%/năm và gấp 1,84 lần so với năm 2015. Ngoài ra, hằng năm các cơ sở sản xuất giống còn cung cấp cho thị trường khoảng 100 triệu con giống hải đặc sản (ốc hương, cá biển và tôm hùm).

Đổi mới công nghệ, sản xuất tôm giống chất lượng cao tại doanh nghiệp S6, xã Tri Hải (Ninh Hải). Ảnh: B.T

Để tạo đột phá trong phát triển ngành Thủy sản, trong dự thảo phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản 2-3% năm. Theo đó, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với phát triển mô hình dịch vụ trên biển, mở rộng ngư trường. Tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước; ưu tiên phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các đối tượng có lợi thế (ốc hương, hàu Thái bình Dương, các loài cá biển); từng bước nghiên cứu, quy hoạch nuôi hải sản tầng biển sâu. Đến năm 2025, sản lượng khai thác đạt 110-115 ngàn tấn, sản xuất đạt 41 tỷ con tôm giống. Thực hiện mục tiêu trên, Đảng ủy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trương tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh kinh tế thủy sản trong nhiệm kỳ 2020-2025, chuyển dịch dần cơ cấu nội bộ ngành để thủy sản chiếm tỷ trọng 51-52% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Định hướng từng lĩnh vực sản xuất thủy sản

Trước hết, về khai thác hải sản, Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo sản xuất và hỗ trợ khai thác vùng khơi cho 785 tàu hiện đại hóa nghề đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao gắn với quốc phòng - an ninh trên biển và dịch vụ hậu cần nghề cá; tổ chức lại khai thác vùng lộng và vùng bờ, trong đó tập trung hỗ trợ chuyển đổi nghề, chấm dứt các loại nghề khai thác bất hợp pháp. Đối với lĩnh vực NTTS, hiện nay ở vùng nuôi tôm trên cát xã An Hải (Ninh Phước) và xã Phước Dinh (Thuận Nam) có mô hình nuôi tôm thẻ thương phẩm 2 giai đoạn với quy mô 78 ha, trong đó có 22 ha (của nhóm G9) đã trang bị máy cho tôm ăn tự động. Mô hình thí điểm nuôi thủy sản sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn trong ao nuôi tôm (thấp triều ven đê bao Đầm Nại) đang được xây dựng và phát triển. Từ nền tảng đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo tổ chức NTTS theo hướng đầu tư ứng dụng công nghệ cao tại khu nuôi tôm trên cát An Hải- Phước Dinh, cấu trúc vùng nuôi Đầm Nại thành khu nuôi sinh thái bền vững gắn với phát triển du lịch.

Phát triển nuôi tôm ở xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: V.M

Trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, tỉnh ta đang đi đầu cả nước về nghiên cứu và sản xuất tôm giống bố mẹ, hiện có Công ty TNHH MOANA (sản xuất được 25.000 con tôm sú bố mẹ/năm) và Công ty TNHH Việt Úc (sản xuất 5.000 con tôm thẻ bố mẹ/năm) phục vụ ngành sản xuất tôm giống trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt với việc xây dựng thương hiệu tôm giống (Nhãn hiệu chứng nhận "Tôm giống Ninh Thuận”), tái lập Hiệp hội tôm giống Ninh Thuận hoạt động hiệu quả và có 2 doanh nghiệp được chứng nhận đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh hướng đến đạt chuẩn OIE (Tổ chức Thú y thế giới), đã tạo cơ hội cho thương hiệu tôm giống địa phương ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường. Từ lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và nền tảng kỹ thuật, khoa học công nghệ cao, trong giai đoạn 2020-2025, để nâng chất lượng và uy tín thương hiệu tôm giống Ninh Thuận, Sở NN&PTNT định hướng tiếp tục phát huy hiệu quả sản xuất giống, giữ vững vị trí là trung tâm giống hải sản chất lượng cao của cả nước, trước mắt đến cuối năm nay sản xuất được 36 tỷ con tôm giống, đạt 100% kế hoạch năm.