Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đô thị loại II

Hơn 5 năm trở thành đô thị loại II, diện mạo của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có nhiều thay đổi: khang trang hơn, hiện đại hơn. Quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành đô thị thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt là nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II, nhiệm kỳ qua, thành phố đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) và đã đạt được kết quả quan trọng, làm nền tảng tạo đột phá trên các lĩnh vực, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Nhằm huy động, sử dung hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, ngoài các giải pháp tăng thu ngân sách; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, vốn trái phiếu Chính phủ, ODA…, thành phố chủ động rà soát, cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp và danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi; đẩy mạnh xã hội hóa trên tất cả các lĩnh vực; cải thiện môi trường đầu tư, huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế. Thành phố còn đẩy mạnh công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính; phối hợp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và tạo mọi điều kiên thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình mang tính cấp bách, trọng điểm, có ý nghĩa an sinh xã hội cao… Trong giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt trên 20.680 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước các cấp chiếm 31%; vốn ngoài ngân sách chiếm 69%.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng được đầu tư phát triển. Ảnh: Hữu Phương

Xây dựng hạ tầng giao thông được thành phố xác định là chiến lược quan trọng, góp phần tạo đột phá, bệ phóng phát triển KT-XH. Thành phố đã trích nguồn kinh phí lớn và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối giữa các tuyến quốc lộ với các trục đường phố chính của thành phố. Đồng thời nhanh chóng hoàn thành các tuyến đường trong khu vực nội thị theo quy hoạch; huy động nguồn lực, nhất là kêu gọi xã hội hóa để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông bê tông liên khu phố, liên phường, giao thông nội đồng, giao thông đến các khu sản xuất nông nghiệp. Nhờ các giải pháp tích cực, hiệu quả, phù hợp, những năm qua, nhiều tuyến đường mang tầm chiến lược, hệ thống giao thông nội thành đã được xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng, điển hình như đường nối Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự - Lê Duẩn, hệ thống giao thông khu dân cư Bắc Trần Phú, Phan Bội Châu, Trần Nhân Tông nối dài, Yên Ninh ra biển... phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế và dân sinh.

Ngoài đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thành phố tích cực kêu gọi các nhà đầu tư mở rộng, xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại- dịch vụ, công nghiệp. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, thành phố khuyến khích, kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để xây dựng, hình thành hệ thống đô thị tập trung, hiện đại. Đồng thời khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai để đầu tư các khu dân cư tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch, trật tự đô thị; hoàn thành quy hoạch chỉnh trang dọc các tuyến đường: Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Minh Mạng; cầu An Đông và kênh Chà Là... tạo quỹ đất ở, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và tạo nguồn thu từ đất đai để tái đầu tư kết cấu hạ tầng thành phố.

Đối với hạ tầng thương mại-dịch vụ, công nghiệp, thành phố thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng thời trang... đáp ứng nhu cầu mua sắm theo hướng văn minh, hiện đại. Đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng, bưu chính viễn thông, ngân hàng... Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh trong việc mở rộng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thành Hải và Cụm công nghiệp Tháp Chàm tạo mọi điều kiện thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp phát triển công nghiệp. Các dự án lớn như Khu đô thị Đông Bắc, Khu đô thị mới Bình Sơn - Ninh Chữ, Siêu thị VinMart, Nhà ở xã hội Phú Thịnh, Nhà ở xã hội D7 - D10, Trung tâm Thương mại Vincom… không những mở rộng không gian đô thị mà còn giúp thành phố hình thành những khu mua sắm sầm uất, thông thương hàng hóa, phát triển sản xuất, tạo bước đột phá cho ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.

Cầu An Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Anh Tuấn

Ngoài ra, thành phố cũng tập trung ngân sách, huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thành Đập hạ lưu sông Dinh; tiếp tục triến khai hoàn thành Dự án nâng cấp đê Bắc sông Dinh, kín hóa hệ thống kênh cấp II qua thành phố. Đồng thời, kêu gọi đầu tư các công trình công viên cây xanh, chiếu sáng đô thị, các công trình phúc lợi về y tế, giáo dục, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ văn hóa, thế dục - thể thao… không chỉ tạo diện mạo mới cho đô thị, mà còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đến nay, thành phố đã cơ bản đạt được 52/59 tiêu chuẩn đô thị loại II, trong đó có 40 tiêu chuẩn đạt cao. Diện tích cây xanh đô thị đạt 9 m2/người; 100% người dân sử dụng nước sạch... Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước năm 2020 đạt trên 16.818 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 11,3%; chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 83,6 triệu đồng/người/năm. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đô thị ngày càng được nâng cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 là khai thác tiềm năng lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đô thị loại II. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 28.000-30.000 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ này, thành phố sẽ bám sát vào quy hoạch của tỉnh để rà soát, bổ sung quy hoạch, quản lý quy hoạch làm cơ sở để khai thác tiềm năng về đất đai; phát huy tối đa lợi thế của đô thị ven biển tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển... Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các sở, ngành để xây dựng các chương trình, dự án; tranh thủ nguồn vốn Trung ương, sự hỗ trợ của tỉnh, đồng thời chủ động đề xuất tỉnh về chủ trương, cơ chế đặc thù, nhất là cơ chế huy động các nguồn lực, trong đó trọng tâm là khai thác nguồn lực từ đất đai, công sản, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các dự án quy mô lớn về giao thông, thoát nước, các khu đô thị mới, các khu dân cư cao cấp, hạ tầng thương mại, du lịch; hạ tầng công nghệ thông tin,... phấn đấu hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn của đô thị loại II, làm nền tảng tạo đột phá phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài.