Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các ngành kinh tế trụ cột, tạo động lực cho tăng trưởng

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, với sự nỗ lực của các cấp, cách ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển ổn định, vị thế của tỉnh được nâng lên.

Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực được tập trung triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy, tạo ra cơ hội để huy động nguồn lực, tạo sức bật, đưa quy mô nền kinh tế tăng 2,16 lần so với năm 2015.

Từng nằm trong nhóm những tỉnh khó khăn nhất cả nước, nhưng hiện nay tỉnh ta đã lọt vào nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ nhờ tỉnh có những quyết sách đúng đắn trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh phát triển các ngành kinh tế trụ cột. Để tạo động lực tăng trưởng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang phát triển mạnh các nhóm ngành năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch. Khát vọng vươn lên đã đưa tỉnh ta đã trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với việc thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực lợi thế. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án thủy điện/258,8 MW, 5 dự án điện gió/231 MW và 31 dự án điện mặt trời/1.797 MW hòa lưới điện thương mại, tạo ra sản lượng điện 3.500 triệu kWh, tăng 2.313 triệu kWh so với năm 2015, tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 24,1%/năm.

Trường THCS và THPT Đặng Chí Thanh (Thuận Nam) được đầu tư xây dựng
khang trang, phục vụ tốt nhu cầu học tập cho con em địa phương. Ảnh: Bình An

Cùng với những đột phá về năng lượng, thì du lịch - thương mại - dịch vụ cũng khởi sắc. Chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được tập trung triển khai; chú trọng xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, một số dự án quy mô lớn, đẳng cấp cao được đẩy nhanh tiến độ. Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 25 dự án du lịch, vốn đăng ký trên 16.337 tỷ đồng, nâng tổng số dự án du lịch lên 58 dự án, vốn đăng ký 27.698 tỷ đồng, đã hoàn thành đi vào hoạt động 19 dự án; nhiều tuyến, điểm du lịch mới hình thành gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ. Cách đây 5 năm, tỉnh ta là vùng đất ít được biết đến, nhưng giờ đây thu hút nhiều du khách nhờ sức hấp dẫn từ các loại hình du lịch trải nghiệm. Lượng du khách đến tỉnh trong 5 năm qua tăng nhanh, bình quân tăng 10,8%/năm, thu hút 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200 ngàn lượt, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020 ghi nhận Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác thu hút đầu tư, chủ động kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh sau khi có chủ trương dừng xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. Tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh luôn bày tỏ khát vọng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, điểm đến du lịch đẳng cấp; đồng thời, cam kết “trải thảm đỏ” mời các nhà đầu tư bằng việc khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Thực tế là tỉnh ta đã dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn)
tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Văn Nỷ

Từ chính sách “thông thoáng”, nhiều doanh nghiệp đã đến tỉnh ta đầu tư những dự án lớn, đóng vai trò “sếu đầu đàn” dẫn dắt phát triển, tạo sức lan tỏa cho cả tỉnh. Tiêu biểu như Tập đoàn Crystal Bay đầu tư Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng giải trí biển tiêu chuẩn quốc tế SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại Công viên biển Bình Sơn, có tổng vốn 4.500 tỷ đồng, với 3 tòa tháp, 3.300 phòng quy mô hàng đầu châu Á đang được khẩn trương thi công. Lĩnh vực năng lượng tái tạo đáng kể là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã tiên phong đầu tư các dự án lớn, với tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, biến những vùng đất khô hạn, sản xuất không hiệu quả thành những cánh đồng điện mặt trời lớn nhất nước, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định. Tháng 4-2019, Trungnam Group đã tổ chức khánh thành Tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn I tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải (Thuận Bắc), là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên của Việt Nam được hòa lưới điện trong năm 2019. Ngày 29-9 vừa qua, Trungnam Group đã thực hiện đóng điện kỹ thuật vào Trạm biến áp và tuyến dây 500kV của  Dự án Trạm biến áp và đường dây 500kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, công suất 450 MW tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo, còn góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất lưới điện cho tỉnh và khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Chủ trương phát triển nhanh các ngành đột phá và các dự án động lực thay thế bước đầu phát huy hiệu quả đã góp phần thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; hoàn thành 25/27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Một số chỉ tiêu đạt cao như: Tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người/năm, tăng 2,17 lần so với năm 2015; thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại,
góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: Duy Anh

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt được nhiều kết quả, đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành Trung ương đối với tỉnh. Nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời, đúng thời điểm, tập trung giải quyết những vấn đề được nhân dân quan tâm, làm tiền đề để vận dụng, triển khai vào thực tiễn, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận đã tháo gỡ khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; công tác dự báo, đánh giá cơ bản sát đúng tình hình thực tiễn. Tư duy lãnh đạo có nhiều đổi mới, năng động, nhạy bén, sáng tạo chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội kịp thời, đúng đắn, phù hợp xu thế và sát tiềm năng. Sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu và tính chủ động của các cấp, các ngành được nâng lên. Đa số cán bộ, đảng viên tâm huyết, xác định rõ trách nhiệm, tận tụy với công việc, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phát huy những thành quả đạt được, giai đoạn 2020-2025, tỉnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trọng tâm là tiếp tục phát triển các đột phá về năng lượng và các ngành kinh tế biển, du lịch. Đẩy nhanh xúc tiến triển khai dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná, Tổ hợp điện khí Cà Ná, Thủy điện tích năng Bác Ái để tạo đột phá trong tăng trưởng ngành Công nghiệp.

Những dấu ấn trong nhiệm kỳ qua thể hiện được tầm nhìn và năng lực lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Thành quả đạt được tạo niềm tin và kỳ vọng tỉnh ta sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên mạnh mẽ hơn trong những năm tới.