Ninh Phước qua 3 năm thực hiện mô hình cánh đồng lớn

Ninh Phước là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, với hơn 23.500 ha đất canh tác, trong đó có hơn 18.000 ha chủ động nguồn nước quanh năm, bao gồm diện tích sản xuất lúa trên 15.000 ha/năm (chiếm 32% diện tích lúa/năm của tỉnh) và cùng nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Với mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, sản xuất theo hướng thâm canh bền vững, năm 2017, huyện Ninh Phước đã triển khai mô hình cánh đồng lớn trên các cây trồng chủ lực của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2017, huyện bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm cánh đồng lớn tại xã Phước Hậu trên diện tích 56 ha lúa. Để mô hình thí điểm được nhân rộng trên toàn huyện, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức nông dân, tạo sự đồng thuận cao xây dựng cánh đồng lớn, tiến hành dồn điền đổi thửa, san phẳng bằng tia laser hình thành các thửa lớn từ các thửa nhỏ để thuận tiện cho việc canh tác và cơ giới hóa. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi nội đồng đồng bộ đáp ứng sản xuất. Đồng thời huyện cũng chú trọng nâng cao vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm phát triển liên kết nông dân - doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng nông sản từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; củng cố hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, huy động nguồn lực để tổ chức sản xuất theo mô hình mới, đưa nông dân sản xuất nhỏ vào cánh đồng lớn.

Nông dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) thu hoạch lúa vụ Hè-Thu. Ảnh: Phan Bình

Phước Hậu được biết đến là địa phương tiên phong của huyện Ninh Phước trong thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn. Với diện tích lúa trên 850 ha, chiếm ¾ diện tích đất nông nghiệp của địa phương, xác định trồng lúa theo phương thức cũ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, cấp ủy, chính quyền xã Phước Hậu đã vận động nông dân áp dụng những mô hình sản xuất lúa tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng hạt, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Từ 56 ha thí điểm ban đầu cho cả huyện, đến nay, toàn xã Phước Hậu đã có 563 ha duy trì mô hình “cánh đồng lúa lớn” và 11,7 ha thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, qua đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, công lao động và tăng năng suất lúa bình quân lên 70-80 tạ/ha, lợi nhuận đạt từ 17-20 triệu đồng/ha/vụ. Cùng với xã Phước Hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung cũng là mục tiêu mà xã An Hải đang hướng tới. Một trong những nông sản được người dân địa phương canh tác theo mô hình cánh đồng lớn là măng tây xanh. Bà con nông dân đã chủ động chuyển đổi các cây trồng ngắn ngày như rau, hành, cà rốt, đậu phộng... sang trồng măng tây xanh, đồng thời tích cực tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn để nâng cao giá trị, chất lượng nông sản. Đến nay, diện tích măng tây xanh trên địa bàn xã đã tăng hơn 80 ha, trong đó có gần 50 ha được canh tác theo mô hình cánh đồng lớn liên kết với các hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản sạch, tạo được đầu ra ổn định. Nhiều gia đình từ khi chuyển qua trồng măng tây xanh đã cho thu nhập từ 200-300 triệu/năm; kinh tế hộ nhờ đó khởi sắc hơn nhiều so với trước đây.

Sau 3 năm triển khai thực hiện cánh đồng lớn, đến nay toàn huyện Ninh Phước đã nhân rộng được 15 cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.348,5 ha. Trong đó có 12 cánh đồng lúa với diện tích 2.213,5 ha, 1 cánh đồng bắp với diện tích 80 ha và 2 cánh đồng măng tây xanh với diện tích 55 ha. Qua khảo sát, lợi nhuận thu được từ mô hình sản xuất cánh đồng lớn cao hơn so với ngoài mô hình từ 30-44 triệu đồng/ha và tùy từng loại cây trồng. Đồng thời, mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser cũng được triển khai thực hiện với 29,4 ha trên 3 cánh đồng thuộc địa bàn các xã Phước Hậu, Phước Hữu và Phước Thái, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình cánh đồng lớn, sản xuất theo hướng hiện đại hóa đồng bộ.

Với định hướng “lấy nông nghiệp công nghệ cao là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, huyện Ninh Phước xác định mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục duy trì và phấn đấu nhân rộng các cánh đồng lớn lên trên 3.000 ha, trong đó lúa 2.500 ha, bắp 200 ha, măng tây xanh và các loại rau 300 ha gắn với chuỗi giá trị liên kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức cho biết thêm: Để phát triển nông nghiệp với mô hình cánh đồng lớn gắn công nghệ cao trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân trong việc tham gia thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là tiến hành rà soát, quy hoạch vùng sản xuất cánh đồng lớn cho các loại cây trồng có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương gắn với thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi nội đồng, điện phục vụ cho sản xuất, phát triển vùng cánh đồng lớn. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: San phẳng đồng ruộng bằng tia laser, mô hình “1 phải, 5 giảm”, mô hình nông nghiệp công nghệ cao… trong các cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho việc áp dụng quy trình canh tác đồng bộ, cơ giới hóa, giảm lượng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức khoa học đầu tư công nghệ cao cho các cánh đồng lớn của huyện ở khâu sau thu hoạch như đầu tư sân phơi, lò sấy nông sản, quy trình sơ chế, đóng gói sản phẩm… Củng cố và nâng cao vai trò của hợp tác xã, vận động nhân dân tích cực tham gia áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và nhân rộng các cánh đồng lớn, khuyến khích hợp tác xã chủ động xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, giúp hộ nông dân hiểu rõ hơn về quy trình, kỹ thuật và tạo điều kiện cho hộ nông dân tham gia sản xuất một cách tự nguyện nhất.